
Mục tiêu của các nhà soạn thảo Hiến pháp năm 1958 là cân bằng quyền lực giữa cơ quan lập pháp và hành pháp trên cơ sở duy trì truyền thống cộng hòa và truyền thống nghị viện, từ đó bảo đảm một sự ổn định tương đối cho các Chính phủ. Thế nhưng, mục tiêu này cuối cùng lại dẫn đến tình trạng cán cân quyền lực nghiêng nhiều hơn về phía hành pháp. Đặc biệt kể từ năm 1962, khi Tổng thống được bầu phổ thông đầu phiếu trực tiếp thay vì do Nghị viện bầu, quyền lực của cơ quan hành pháp càng được củng cố. Những quy định mới về quy trình lập pháp cũng cho phép các chính phủ dễ dàng hơn trong việc thông qua các đạo luật mà trước đó phải qua thủ tục đa số 2 vòng tại Nghị viện. Ngoài ra, Hiến pháp năm 1958 đã đặt ra một loạt các điều khoản nhằm hạn chế việc Nghị viện có thể gây sức ép quá lớn lên Chính phủ và thậm chí là lật đổ chính phủ. Điều này dẫn đến vai trò giám sát của Nghị viện đối với cơ quan hành pháp trong nền Cộng hòa đệ ngũ trở nên yếu hơn so với thời kỳ trước đó.
Phải thừa nhận rằng những điều chỉnh trong Hiến pháp 1958 đã phần nào giúp quốc gia hình Lục lăng có được một nền chính trị tương đối ổn định trong suốt 50 năm qua. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giữa các cơ quan quyền lực là một lực cản trong quá trình hướng tới dân chủ. Chính vì vậy, bảo đảm cơ chế cân bằng, kiềm chế và đối trọng giữa cơ quan hành pháp và lập pháp là mục tiêu lớn nhất của lần sửa đổi Hiến pháp năm 2008.
Trước hết, Hiến pháp sửa đổi hạn chế số lượng nhiệm kỳ của tổng thống, theo đó, một tổng thống không được tại vị quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Nếu Hiến pháp 1958 trao cho tổng thống những quyền đặc biệt trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng, thì trong Hiến pháp sửa đổi, để ngăn ngừa khả năng lạm dụng quyền này, mọi quyết định kéo dài thời gian thi hành đều phải được sự đồng ý của Nghị viện. Ngoài ra, mọi quyết định bổ nhiệm của tổng thống cũng đều phải được một ủy ban hỗn hợp của hai viện thông qua. Ủy ban này có thể bác bỏ quyết định bổ nhiệm của tổng thống với ít nhất 3/5 số phiếu.
Bản Hiến pháp sửa đổi đã điều chỉnh một số điều khoản, giúp cơ quan lập pháp chủ động và linh hoạt hơn trong tổ chức và hoạt động của mình. Ví dụ nếu trước kia, Chính phủ được toàn quyền đưa ra chương trình kỳ họp khiến cơ quan lập pháp thường rơi vào thế bị động, thì giờ đây, Nghị viện được tham gia thảo luận về chương trình kỳ họp, đồng thời, chủ tịch của hai viện sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Luật sửa đổi Hiến pháp cũng đưa ra những điều khoản nhằm củng cố vai trò của Nghị viện trong quy trình lập pháp. Ví dụ, theo quy định hiện nay, thời gian từ lúc Chính phủ trình dự luật đến khi đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể là một tháng. Tuy nhiên, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cho phép Nghị viện được phép kéo dài thời hạn trên trong trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, việc triệu tập ủy ban hỗn hợp trong trường hợp khẩn cấp có thể bị vô hiệu hóa nếu không nhận được sự chấp thuận của chủ tịch hai viện. Trước đây, Chính phủ có thể tuyên bố một dự luật là khẩn cấp, mở đường cho dự luật này được đưa ra xem xét tại ủy ban hỗn hợp chỉ sau một lần trình. Trong không ít trường hợp, phe cầm quyền đã lợi dụng quy định này để tránh nguy cơ thất bại của dự luật khi đưa ra phiên họp toàn thể. Một sửa đổi quan trọng khác là quy định tại phiên họp toàn thể, Nghị viện sẽ chỉ xem xét báo cáo thẩm tra và nội dung sửa đổi mà ủy ban chuyên trách đưa ra chứ không xem xét dự thảo luật ban đầu của Chính phủ. Đây là điểm sửa đổi mang tính cách mạng bởi nó không chỉ đặc biệt đề cao vai trò của các ủy ban mà nó còn làm thay đổi bản chất quy trình lập pháp. Nó cho thấy nếu trước kia, Nghị viện thường chỉ được coi là cơ quan “thông qua” luật, chứ không phải cơ quan “làm luật” thì giờ đây, chức năng làm luật đã được đặc biệt nhấn mạnh. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với dự thảo ngân sách, dự thảo ngân sách an sinh xã hội và dự thảo luật sửa đổi Hiến pháp.
Chức năng giám sát của Nghị viện cũng được củng cố thông qua một số sửa đổi quan trọng như việc cho phép Nghị viện triệu tập phiên họp bất thường để điều trần về những vấn đề thời sự nóng bỏng. Hiến pháp sửa đổi cũng yêu cầu Chính phủ thông báo với Nghị viện trong trường hợp đưa quân đội ra nước ngoài và việc kéo dài thời gian tham chiến phải được sự chấp thuận của Nghị viện. Vai trò giám sát trong hoạt động đối ngoại cũng được củng cố, đặc biệt là trong quan hệ của Pháp với EU. Theo Hiến pháp sửa đổi, mọi dự thảo văn kiện của EU đều phải trình Nghị viện phê chuẩn chứ không chỉ là những dự thảo luật như trước kia. Ngoài ra, mỗi viện cũng sẽ thành lập một ủy ban chuyên trách về EU.
Một Nghị viện mạnh là Nghị viện có tính đại diện cao. Chính vì vậy, Hiến pháp sửa đổi đã đưa ra một số điều chỉnh quan trọng. Điều 9 trong dự thảo Hiến pháp mới nhấn mạnh Thượng viện là cơ quan đại diện cho các vùng lãnh thổ trên cơ sở quy mô dân số. Điều khoản này cho phép chỉnh sửa lại một quy định của Hội đồng Lập hiến năm 2000, thành phần của cử tri đoàn không được thay đổi theo quy mô dân số. Một điều khoản khác yêu cầu mọi quyết định tái phân chia khu vực bầu cử hoặc số lượng nghị sỹ tại mỗi đơn vị bầu cử sẽ phải tham vấn một ủy ban độc lập.
Hiến pháp sửa đổi còn có những điều khoản bảo đảm quyền làm chủ của công dân. Đây là lần đầu tiên, Hiến pháp cho phép công dân được phép yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét lại tính hợp hiến của một đạo luật đã được thông qua.