Theo lý thuyết truyền thống của chế độ đại nghị, Nghị viện được xem là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân của một nhà nước. Nhân dân là người mang chủ quyền nhưng không có điều kiện để thực hiện quyền lực của mình một cách trực tiếp nên đã ủy quyền cho Nghị viện thay mặt mình thực hiện quyền lực. Dưới góc độ đó, các nghị sĩ được xem là những người được nhân dân ủy quyền, thay mặt cho nhân dân và hành động cho nhân dân. Tuy nhiên, chi tiết mối liên hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền trong trường hợp này không hoàn toàn đơn giản như sự ủy quyền pháp lý trong Luật Dân sự. Người ta thường dẫn ra hai cách hiểu về mối quan hệ này là ủy quyền tự do và ủy quyền chỉ mệnh (có tài liệu gọi là ủy quyền chịu lệnh), và tùy từng cách hiểu khác nhau có thể dẫn đến những hệ quả khác nhau trong mối quan hệ giữa nhân dân và các vị đại biểu của mình.
Theo quan niệm ủy quyền tự do, các vị nghị sĩ sau khi đắc cử và trong suốt nhiệm kỳ được ủy quyền, hoàn toàn tự do trong mọi quyết định có liên quan đến nhiệm vụ đại biểu. Những người ủng hộ lý thuyết đại diện này cho rằng khi cử tri lựa chọn cá nhân này hay cá nhân kia làm người đại diện cho mình thì ý chí của cử tri đã bị hạn chế, bởi vậy cử tri không thể gây ảnh hưởng tới vị thế của người trúng cử. Trong hoạt động, nghị sĩ chỉ tuân thủ Hiến pháp và luật mà không chịu sự giám sát của nhân dân vì nghị sĩ tự biết nhân dân muốn gì và sẽ thể hiện ý chí đó của nhân dân thông qua các quyết nghị của mình. Hơn thế nữa, ủy quyền tự do là một ủy quyền tập thể của toàn bộ nhân dân, nghĩa là nghị sĩ không chỉ đại diện cho đơn vị bầu cử đã bầu ra mình mà còn đại diện cho toàn thể nhân dân. Hệ quả của lý thuyết này là nghị sĩ không thể bị cử tri bãi nhiệm trong suốt nhiệm kỳ của mình ngay cả khi các nghị sĩ không thực hiện theo chương trình tranh cử mà mình vạch ra để vận động nhân dân bầu cử cho mình. Chế tài duy nhất trong các trường hợp đó là nghị sĩ sẽ không được tái cử trong kỳ bầu cử kế tiếp, nhưng đó là một chế tài chính trị chứ không phải là một chế tài pháp lý.
Theo quan niệm ủy quyền chỉ mệnh, các nghị sĩ sau khi trúng cử phải giữ mối quan hệ mật thiết với cử tri đã bầu ra mình và phải làm theo những chỉ thị, mệnh lệnh của cử tri. Nghị sĩ, trong trường hợp này, trở thành một người hoàn toàn bị bó buộc, không được phép phát huy sáng kiến cá nhân khi thực hiện chức năng đại điện của mình. Và cũng như những người được ủy quyền ở các dạng ủy quyền pháp lý khác, nghị sĩ phải có trách nhiệm báo cáo thường xuyên với cử tri về quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hệ quả của lý thuyết này là cử tri có thể bãi nhiệm những người đại biểu cho mình trong thời gian ủy quyền nếu xét thấy họ không thực hiện tròn bổn phận của mình.
Xét về mặt lý luận, dường như lý thuyết ủy quyền chỉ mệnh có tính dân chủ hơn vì người dân có thể tham gia sâu hơn vào các quyết định của cơ quan đại diện. Tuy nhiên, nếu hiểu ủy quyền chỉ mệnh một cách triệt để, cứng nhắc thì về mặt kỹ thuật, cơ quan đại diện sẽ không thể hoạt động được. Lý do rất đơn giản là Quốc hội thường phải đối mặt với rất nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống mà nghị sĩ thì không phải mọi lúc, mọi nơi có thể nhận biết được các chỉ thị, mệnh lệnh của cử tri về tất cả các vấn đề mình cần phải quyết định. Hơn thế nữa, việc nghĩ sĩ phải tuân theo ý chí của những cử tri đã bầu ra mình sẽ tạo ra những sự bó buộc đối với nghị sĩ, nhất là khi nghị sĩ phải quyết định những vẫn đề có sự xung đột giữa lợi ích giữa quyền lợi của đơn vị cử tri đã bầu ra mình và lợi ích của toàn dân tộc.
Tuy nhiên, đó là chỉ là những nguyên tắc về mặt lý luận. Trên thực tiễn, việc áp dụng lý thuyết ủy quyền tự do và ủy quyền chỉ mệnh cũng đã có những sự pha trộn nhất định. Lý thuyết ủy quyền chỉ mệnh không còn bị áp dụng một cách triệt để và cứng nhắc. Các nghị sĩ ở các nước áp dụng lý thuyết này không phải nhất nhất tuân theo ý chí của cử tri bầu ra mình. Bên cạnh đó, mặc dù ủy quyền tự do được thừa nhận và áp dụng một cách rộng rãi ở nhiều nước nhưng ở một số nước vẫn cho phép cử tri bãi nhiệm các nghị sĩ của mình trong những trường hợp nhất định. Ngoài ra, sự xuất hiện ngày càng nhiều của khuynh hướng cho phép người dân tham gia trực tiếp vào các quyết định của nhà nước (ví dụ như qua các cuộc trưng cầu ý dân) cũng đang đặt ra nhu cầu xét lại các lý thuyết ủy quyền. Cử tri nhiều nước không muốn phải chờ các cuộc bầu cử theo định kỳ để thực hiện quyền lực của mình mà muốn đi tới một chính phủ bán đại diện hơn là một chính phủ đại diện như hiện nay.
Hoàng Minh Hiếu