Công bằng về quyền tiếp cận đất đai
Với việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều vấn đề bất cập của thực tiễn đã được giải quyết.
Thứ nhất, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo là một trong những trường hợp được Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại.
Theo đó các dự án “xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động, bao gồm: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp” (Khoản 16, Điều 79) sẽ được Nhà nước thu hồi đất.
Như vậy, các dự án xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo không phân biệt nguồn vốn đầu tư, do “nhà nước thành lập” hoặc “cho phép hoạt động”; thuộc mọi cấp học, bậc học, từ mầm non, giáo dục phổ thông, đến giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đều được đối xử công bằng về quyền tiếp cận đất đai.
Thứ hai, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định một số trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Trong đó có: (1) các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (điểm b, Khoản 2, Điều 124); (2) giao đất có thu tiền sử dụng đất trong trường hợp giao đất ở cho cá nhân là giáo viên công tác tại các xã biên giới, hải đảo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng chưa có đất ở, nhà ở tại nơi công tác hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở (điểm b, Khoản 3, Điều 124); (3) cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất (điểm g, Khoản 3, Điều 124).
Thứ ba, về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giáo dục và đào tạo, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện trong trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan (điểm a, Khoản 1, Điều 157).
Như vậy, các dự án đầu tư xây dựng công trình giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học đều đáp ứng được điều kiện áp dụng việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và các dự án sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (điểm g, Khoản 1, Điều 157) cũng là đối tượng được miễn giảm tiền thuê đất.
Đáng chú ý, Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định: "đối với trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn. Người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất" (Khoản 3, Điều 157). Quy định này đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính phát sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các trường đại học hiện nay.
Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng trường ngoài công lập ở đô thị
Thứ tư, về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất xây dựng công trình giáo dục, đào tạo, theo quy định tại Khoản 1, Điều 121 về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất xây dựng công trình giáo dục, đào tạo không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Khoản 3, Điều 121 cũng quy định: "trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc là đất ở hoặc đất phi nông nghiệp có thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài phù hợp quy định của pháp luật đã chuyển sang sử dụng vào mục đích khác mà nay có nhu cầu chuyển lại thành đất ở và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì không phải nộp tiền sử dụng đất".
Ngoài ra, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cho phép việc sử dụng đa mục đích đối với đất ở. Cụ thể là trường hợp: "đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh" (điểm d, Khoản 1 Điều 218) khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật.
Những quy định này đã tháo gỡ khó khăn cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là xây dựng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở các đô thị.
Thứ năm, nhiều nội dung liên quan đến việc sử dụng đất đai của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở giáo dục, đào tạo được quy định khá cụ thể. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất (Khoản 4, Điều 118).
Đơn vị sự nghiệp công lập đang được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm nhưng thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho thời gian thuê đất còn lại (Khoản 1, Điều 30).
Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất mà có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm đối với phần diện tích đó (Khoản 3, Điều 30).
Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất do Nhà nước cho thuê đất thu tiền hàng năm có quyền cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Đối với đất đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thì được phép chủ động khai thác, sử dụng kết hợp đa mục đích theo phương án được cơ quan chủ quản phê duyệt phù hợp với quy định của Luật Đất đai và pháp luật có liên quan; trường hợp có đầu tư xây dựng công trình trên đất phải phù hợp với pháp luật về xây dựng (Khoản 2, Điều 34)...
Có thể nói, bước đầu, các chính sách ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo đã có sự thống nhất với chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục ở cả khu vực công và khu vực tư, ở các quy mô khác nhau, ở các địa bàn khác nhau đều có cơ hội, điều kiện tiếp cận quỹ đất của các địa phương để đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo. Tuy vậy, để các quy định của Luật đi vào thực tiễn, nhiều nội dung cần được quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành bởi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.