Căn cứ thực tế xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nội dung thu học phí từ trường phổ thông đến đại học được quy định trong Nghị định 81/2021/NĐ-CP, có hiệu lực từ tháng 10.2021, nhưng chủ yếu được áp dụng cho năm học 2022 - 2023. Đối với bậc học phổ thông, chính quyền cấp tỉnh, thành phố sẽ quyết định mức học phí. Nghị định 81 quy định mức học phí theo vùng miền, có mức trần, mức sàn, và có lộ trình. Các địa phương căn cứ vào tình hình của mình để quyết định mức học phí phù hợp. Trong thực tế, một vài địa phương đã miễn hoàn toàn học phí như Hải Phòng.
Đối với các trường đại học, tùy theo mức độ tự chủ, nếu trường tự chủ một phần hoặc tự chủ chi thường xuyên một phần và tự chủ chi đầu tư thì không được thu học phí quá mức trần quy định trong Nghị định 81. Đối với trường đạt chuẩn kiểm định của quốc gia và quốc tế thì được phép thu theo định mức kinh tế kỹ thuật mà nhà trường tính toán và quyết định. Đây là một quyền tự chủ của các trường đại học.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội, năm 2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần trao đổi, gửi công văn đến các địa phương về việc giữ ổn định mức học phí trong tình hình dịch bệnh, thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh. Gần đây nhất, ngày 24.5.2022, Bộ đã có Công văn số 2153 gửi các địa phương và lãnh đạo các trường đại học nhắc nhở, lưu ý, chỉ đạo các đơn vị về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; khuyến cáo các địa phương, nhà trường căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, góp phần bình ổn giá, bảo đảm an sinh xã hội; có chính sách miễn, giảm, giãn thời gian thu học phí và các khoản thu dịch vụ trong hoạt động giáo dục và đào tạo; hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo để các em có đủ sách đến trường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để thực hiện trách nhiệm giải trình với người học, với xã hội về các mức thu và khoản thu; nhắc nhở địa phương cũng như các trường đại học thực hiện công khai các mức thu là một trong các nội dung cần tiến hành giải trình trước xã hội.
Tự chủ đại học góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tự chủ đại học là thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết 29, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tự chủ đại học mang lại nhiều cơ hội, điều kiện phát triển cho trường đại học, được các trường đại học và xã hội đánh giá cao.
Qua thời gian thực hiện tự chủ, các trường đại học đã có sự phát triển mới, chỉ số xếp hạng trên thế giới đã tăng nhanh. Gần đây, chỉ số xếp hạng của giáo dục Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới do USNEWS công bố, giáo dục Việt Nam đứng thứ 59 trên toàn thế giới, trong đó có đóng góp của chỉ số xếp hạng giáo dục đại học. Nhiều ngành nghề mới đã được mở, cơ hội học tập tốt tăng lên. Các chỉ số của giáo dục đại học đều đã phát triển. Điều đó cho thấy chủ trương thực hiện tự chủ đại học là đúng đắn và cần thiết, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về tình hình triển khai trong các nội dung liên quan đến tự chủ đại học, một nội dung được quan tâm là việc thành lập và hoạt động của Hội đồng trường. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đến thời điểm này, trong hệ thống trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, 35/35 trường đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động. Trong số gần 200 trường thuộc bộ, ngành và địa phương quản lý, chỉ còn 13 cơ sở giáo dục đại học chưa tiến hành thành lập Hội đồng trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang đốc thúc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo việc này.
Người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, trong quá trình thực hiện còn một số vướng mắc liên quan đến hoạt động của Hội đồng trường, như: người đứng đầu, trách nhiệm của người đứng đầu, việc phối kết hợp hoạt động giữa Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng, Ban giám hiệu; xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động của Hội đồng và Ban giám hiệu; một số công việc về tổ chức cán bộ, luân chuyển cán bộ... Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định số 99/2019/NÐ-CP để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trên phương diện tổ chức để các trường thực hiện tự chủ tốt hơn.
Về việc thực hiện tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, gia tăng việc kiểm soát, kiểm tra, kiểm định chất lượng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, một trong các công cụ quản lý được Bộ quan tâm là kiểm định chất lượng. Bộ đang phát huy hoạt động của 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trên cả nước và đã có 174/241 trường được kiểm định lần 1, chiếm khoảng trên 70%. Ngoài thực hiện kiểm định trong nước, một số trường đã thực hiện kiểm định quốc tế, thực hiện trách nhiệm giải trình 3 công khai cũng như các thông tin liên quan đến hoạt động của nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tăng cường kiểm tra giám sát để các trường thực hiện trách nhiệm giải trình tốt nhất.