- Ông quan tâm đến vấn đề nào nhất trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này, thưa ông?
Tôi quan tâm nhất đến hoạt động thanh tra doanh nghiệp. Chúng ta biết rằng, cho đến nay mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp, hoạt động thanh tra vẫn đang là một vấn đề mà doanh nghiệp cho rằng đang tạo ra những gánh nặng về mặt thời gian, chi phí, thậm chí doanh nghiệp cho rằng hoạt động thanh tra là quá nhiều với nhu cầu thực tế.
Theo điều tra hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về gánh nặng thanh tra đều đưa ra các chỉ số rất rõ về điều này. Thậm chí đã có những thời điểm trong thời kỳ dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để cho doanh nghiệp tập trung vào việc phòng, chống dịch bệnh, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Có thể thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong vấn đề này. Tôi rất kỳ vọng, Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ giúp giảm gánh nặng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra đối với doanh nghiệp.
- Thời gian qua có hiện tượng doanh nghiệp gặp phải sự phiền hà, nhũng nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Vậy theo ông, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) có giải quyết được điều này?
Trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình hiện nay, có hai điều mà tôi còn băn khoăn và cũng đã kiến nghị nhiều lần.
Thứ nhất, tôi mong muốn phải có một quy định riêng về hoạt động thanh tra đối với doanh nghiệp hoặc bổ sung thêm những quy định về hoạt động thanh tra đối với doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp rất khác với các đối tượng khác.
Ví dụ, một cơ quan quản lý nhà nước thì chỉ theo một ngành, một lĩnh vực là ngành dọc nên chỉ chịu kiểm tra, thanh tra của một ngành. Nhưng với một doanh nghiệp, họ hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động trong phạm vi toàn quốc. Nếu như chiếu theo tổ chức bộ máy thanh tra là theo đơn vị hành chính cấp địa phương, rồi lại theo cấp chuyên ngành là các lĩnh vực, thì một doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị thanh tra theo lĩnh vực hành chính, theo chuyên ngành và thanh tra hoạt động của doanh nghiệp.
Có thể thấy, doanh nghiệp là một đối tượng có một nguy cơ lớn hơn bất kể một đối tượng nào khác liên quan đến hoạt động thanh tra, đó là trùng lặp thanh tra, chồng chéo thanh tra theo cả phạm vi địa phương ngành và lĩnh vực. Vì vậy, tôi mong rằng ban soạn thảo thiết kế một chương quy định riêng, quy định về thanh tra doanh nghiệp, để tránh nguy cơ gây ra chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Nếu như không thiết kế thành một chương, tôi cũng rất mong muốn phải bổ sung thêm những quy định để hạn chế toàn bộ những “nguy cơ” mà doanh nghiệp sẽ thành đối tượng thanh tra của nhiều ngành, nhiều cấp. Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí, thời gian cơ hội cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, bản chất của hoạt động thanh tra là để giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Vì vậy, việc công khai, minh bạch, được báo trước đối với các hoạt động thanh tra định kỳ (nếu có) trở nên rất quan trọng.
Đối với hoạt động thanh tra định kỳ, việc minh bạch hóa, thông báo trước sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động tuân thủ pháp luật tốt hơn. Điều này hoàn toàn đáp ứng mục đích khi thanh tra, kiểm tra là để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Do đó, theo tôi, nên quy định tất cả các cuộc thanh tra thường xuyên định kỳ, ít nhất phải được công khai, minh bạch và phải được thông báo trước cho doanh nghiệp. Như vậy sẽ giúp tăng tính tự tuân thủ của doanh nghiệp và hạn chế việc cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng như doanh nghiệp phải làm việc nhiều lần, giảm chi phí về thời gian và công sức của hai bên. Nếu như doanh nghiệp được báo trước và đã tự tuân thủ tốt, chúng ta thậm chí không cần phải thực hiện các đoàn thanh tra tại hiện trường.
Trong hoạt động thanh tra thường xuyên, trừ tranh tra đột xuất, để giảm gánh nặng không cần thiết, khi xây dựng các kế hoạch thanh tra nên tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc về quản lý rủi ro. Hoàn toàn không cần thiết phải định kỳ hàng năm, hàng tháng lựa chọn ra một số doanh nghiệp và phải xuống kiểm tra, thanh tra. Theo tôi, nên bỏ phương pháp xây dựng kế hoạch thanh tra theo cách như vậy. Thanh tra định kỳ phải xây dựng trên cơ sở nguyên tắc về quản lý rủi ro. Phải xác định những yếu tố, những đối tượng nào có nguy cơ phát sinh rủi ro thì khi đó mới thực hiện những hoạt động thanh tra.
Việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro vừa nâng cao hiệu quả, tránh việc thanh tra, kiểm tra không cần thiết. Đồng thời, giúp giảm sự phiền hà, nhũng nhiễu trong hoạt động thanh tra.
- Xin cảm ơn ông!