Ranh giới công việc và cuộc sống ngày càng khó xác định
Giống như ở nhiều quốc gia, việc người dân Trung Quốc phải trả lời tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ làm việc trên các ứng dụng nhắn tin như WeChat và xử lý công việc trên điện thoại trong ngày nghỉ ngày càng trở nên phổ biến.
Làm việc thông qua các nền tảng mạng xã hội sau khi hết giờ làm, còn được gọi là "làm thêm giờ vô hình", đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi ở đất nước gấu trúc trong những năm gần đây. Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến khi kinh tế phát triển nhanh chóng cùng với việc sử dụng rộng rãi các ứng dụng công nghệ và mạng xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, người lao động lại không được trả lương làm thêm giờ, vì từ góc độ pháp lý không dễ để xác định thế nào là “làm thêm giờ vô hình” và đâu là ranh giới.
Tháng 3 năm nay, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Trung Quốc Lyu Guoquan đã đề xuất với Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc rằng, cần thiết lập một định nghĩa pháp lý và khung lương thưởng cho vấn đề “làm việc ngoài giờ trực tuyến” trong Luật Lao động. Theo ông, công nghệ số trong kỷ nguyên internet đã xóa mờ ranh giới giữa công việc và cuộc sống, khiến việc làm thêm giờ vô hình ngày càng trở nên bình thường hóa.
Ông đề nghị sửa đổi giờ làm việc tiêu chuẩn để xác định rõ tiền lương và làm thêm giờ trực tuyến, bên cạnh việc đặt ra giới hạn về số giờ làm cho các công việc dựa vào nền tảng trực tuyến, vốn luôn có lịch trình dao động và khối lượng công việc cao. Mục đích là để cải thiện cơ chế, bảo vệ lợi ích cho người lao động trong trường hợp họ bị buộc phải làm thêm giờ vô lý và không được trả tiền. Theo luật lao động của Trung Quốc, nói chung người lao động không phải làm việc quá 8 giờ mỗi ngày, hoặc trung bình 40 giờ mỗi tuần. Người sử dụng lao động, do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, có thể kéo dài thời gian làm việc sau khi đã tham khảo ý kiến của công đoàn và người lao động, nhưng không quá 44 giờ/tuần và phải trả lương làm thêm giờ.
Theo tờ Nhật báo Công nhân, trên thực tế, có nhiều cách sắp xếp công việc có vẻ đơn giản như gửi tin nhắn hoặc kiểm tra dữ liệu, song chính những công việc tưởng chừng như dễ dàng này lại có thể biến đây thành việc cần làm bất cứ lúc nào, thậm chí trở thành công việc 24/7, 365 ngày trong năm. Tình trạng “luôn làm việc trực tuyến” đã khiến nhiều người “mắc kẹt trong công việc”, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.
Vấn đề này cũng từng được Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Zhang Jun nêu ra trước Quốc hội. Ông cho biết, một người được coi là làm việc ngoài giờ nếu họ “đóng góp lao động đáng kể” cho những công việc “rõ ràng là tiêu tốn thời gian” - một định nghĩa bao gồm cả việc làm trực tuyến.
3 hệ thống giờ làm việc
Ở Trung Quốc, có 3 loại hệ thống giờ làm việc: hệ thống giờ làm việc tiêu chuẩn, hệ thống giờ làm việc toàn diện và hệ thống giờ làm việc linh hoạt. Hai cái sau được gọi là “hệ thống giờ làm việc đặc biệt”. Giờ làm việc, ngày nghỉ và làm thêm giờ của người lao động được xác định theo các hệ thống khác nhau này.
Đối với hệ thống giờ làm việc tiêu chuẩn, người lao động làm việc 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ mỗi tuần. Người sử dụng lao động có quyền quyết định nên cho nghỉ phép hay trả lương làm thêm giờ. Họ cũng có thể đưa ra thời gian nghỉ thay thế như một hình thức đền bù. Nếu người lao động muốn được trả lương làm thêm giờ thay vì nghỉ bù thì phải được sự chấp thuận của người sử dụng lao động.
Trong khi đó, hệ thống giờ làm việc toàn diện thường được sử dụng trong các ngành và vai trò công việc mà hệ thống giờ làm việc tiêu chuẩn không khả thi do tính chất đặc biệt của nó, chẳng hạn như lĩnh vực bán lẻ và khách sạn. Nói cách khác, hệ thống này được áp dụng cho các vai trò công việc và ngành nghề đòi hỏi người lao động phải làm việc liên tục hoặc chịu những ràng buộc về thời gian.
Theo hệ thống, giờ làm việc của người lao động được tính trong một khoảng thời gian tính toán toàn diện, có thể là hàng tuần, hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm. Tổng số giờ làm việc tích lũy trong kỳ tính toán sẽ được áp dụng theo tiêu chuẩn giờ làm việc của pháp luật lao động. Điều này có nghĩa là người lao động có thể làm việc nhiều hơn 8 giờ một ngày hoặc 40 giờ một tuần, miễn là tổng số giờ làm việc trong khoảng thời gian tính toán toàn diện không vượt quá số giờ làm việc tiêu chuẩn theo luật định. Số giờ làm thêm ngoài số giờ tiêu chuẩn trong mỗi chu kỳ sẽ được coi là làm thêm giờ và phải được người sử dụng lao động trả theo quy định.
Ngoài ra, người sử dụng lao động có thể triển khai hệ thống giờ làm việc linh hoạt cho người lao động, nếu họ là quản lý cấp cao, nhân viên hiện trường, nhân viên bán hàng, một số nhân viên trực và những người khác mà giờ làm việc không thể tính được bằng giờ làm việc tiêu chuẩn do tính chất công việc của họ; nhân viên vận tải đường dài, tài xế taxi, một số công nhân bốc xếp ở đường sắt, bến cảng hoặc nhà kho và những nhân viên cần thời gian làm việc linh hoạt do tính chất công việc; các nhân viên khác có công việc có tính chất liên quan đến sản xuất, yêu cầu công việc đặc biệt hoặc phạm vi công việc phù hợp hơn với hệ thống giờ làm việc linh hoạt.
Các quy định của pháp luật về trả lương làm thêm giờ cho ngày làm việc và ngày nghỉ không áp dụng đối với người lao động áp dụng chế độ giờ làm việc linh hoạt. Người ta thường chấp nhận rằng số giờ họ làm việc thêm vào những ngày này không được coi là làm thêm giờ.
Tuy nhiên, các quy định về việc có trả lương làm thêm giờ cho nhân viên theo hệ thống giờ làm việc linh hoạt hay không khác nhau tùy theo từng vùng ở Trung Quốc. Ví dụ, người sử dụng lao động ở Thượng Hải sẽ trả tiền làm thêm giờ vào các ngày nghỉ lễ cho người lao động có giờ làm việc linh hoạt. Trong khi đó, ở các khu vực khác, chẳng hạn như Bắc Kinh và Thiên Tân, người lao động như vậy lại không được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ.