Đổi mới tư duy, xác lập tầm nhìn chiến lược phát triển quốc gia
Thứ nhất là đổi mới tư duy, xác lập tầm nhìn chiến lược phát triển quốc gia. Muốn thay đổi, chúng ta không thể không thay đổi chính mình, trước hết là tư duy. Nếu không đổi mới trước hết từ tư duy, trên mảnh đất của mình và mang tầm thời đại, chúng ta sẽ không có tầm nhìn, không thể định vị chiến lược vị thế quốc gia, càng không thể nói tới việc đất nước phát triển mạnh mẽ hay bền vững. Tối thiểu ở đây, trên 4 phương diện.
Mộtlà, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - cương lĩnh phát triển mạnh mẽ và bền vững. Chủ nghĩa cộng sản, nói như K. Marx, đó là chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị, tức chủ nghĩa nhân đạo.
Con đường chiến lược phát triển hiện thực của chúng ta: Xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, kiến tạo một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, phát triển một nền văn hóa và con người Việt Nam ngang tầm thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một nền ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa vì một thế giới hòa bình và thịnh vượng… dưới ngọn cờ của Đảng là quy luật phát triển, là nhu cầu tất yếu, là con đường phát triển thịnh vượng của đất nước ta trong thời đại ngày nay, mà dân tộc ta đã, đang và nỗ lực thực hiện không thể lay chuyển, dù thời thế có vần xoay, đổi thay thế nào! Tiếp tục xác lập tầm nhìn, định vị chiến lược, phát triển Đất nước phồn vinh, bền vững; bảo vệ độc lập, tự chủ, thống nhất quốc gia; hòa mục, hội nhập quốc tế; xây dựng, chỉnh đốn Đảng dẫn dắt Dân tộc tiến cùng nhân loại, với triết lý văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần được bồi đắp và lan tỏa tinh thần: Quốc gia Tự tôn - Mỗi người Tự trọng - Dân tộc Tự cường - Tổ quốc Phồn vinh nhằm xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, công nghiệp, hiện đại, phồn thịnh, hùng cường, văn hiến, giữ vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Đó là mục tiêu chiến lược phát triển của Việt Nam; là Quốc chính XHCN Việt Nam! Đó chính là linh hồn, cốt cách văn hóa Việt Nam.
Hai là, tầm nhìn chiến lược phát triển Việt Nam. Hơn bao giờ hết, con đường duy nhất đúng đắn là, chúng ta phải tự mình hùng mạnh; chỉ có tiến lên và phát triển bền vững, khi nhân loại không chờ đợi sự do dự hay chập chờn của bất cứ ai, cuộc cạnh tranh toàn cầu tiềm ẩn “mất còn” càng không chấp nhận bất cứ quốc gia, dân tộc nào làm ngoại lệ. Chúng ta đứng trong thế giới, chúng ta phải vì thế giới và cho thế giới. Đó là tinh thần và hành động nhân văn mang tầm nhân loại. Đó chính là sứ mệnh quốc gia, là danh dự và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.
Vì thế, trong tầm nhìn năm 2045, Việt Nam sẽ và phải trở thành một quốc gia công nghiệp phát triển,điểm đến nhân văn trong thế giới chỉnh thể, với tư cách một nước công nghiệp phát triển, nơi hội tụ của niềm tin, tri thức và tấm lòng tin cậy, thủy chung, nhân ái, chan hòa với bạn bè quốc tế, phát triển bằng phương thức rút ngắn, với bản lĩnh Việt Nam. Nghĩa là, chúng ta phải trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển - một quốc gia kinh tế biển, thương mại, dịch vụ và du lịch thương hiệu Việt, tất cả mang tấm “căn cước” văn hóa Việt Nam bản sắc và nhân văn. Đó là sự lựa chọn mang tầm chiến lược. Đó cũng là sự định vị chiến lược phát triển mang tầm văn hóa của Việt Nam trong tầm nhìn tới năm 2045. Đó là Quốc sách chiến lược phát triển Việt Nam và đòi hỏi sự kết tinh của văn hóa phát triển Việt Nam.
Ba là, bảo vệ lợi ích chiến lược đất nước, phát triển những giá trị quốc gia là mục tiêu tối thượng. Quốc gia tối thượng! Dân tộc trường tồn! Trong bất cứ thời khắc nào, phải lấy lợi ích quốc gia làm mục tiêu tối thượng chiến lược có ý nghĩa bất biến trong mọi hành xử của mình, trước bất cứ ai, dù trong bất cứ cảnh huống nào. Trong thời đại ngày nay, giữa cuộc cạnh tranh mang tầm vóc toàn cầu có ý nghĩa sinh tử, chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập tự do”, hơn bao giờ hết, càng phải tỏa sáng trong ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của mỗi đảng viên và từng người Việt Nam. Đó là bản lĩnh sống hợp với lẽ tự nhiên toàn nhân loại.
Vì nền độc lập tự do và lợi ích vô giá của dân tộc, trong cuộc hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, thời cơ phát triển rất nhiều nhưng nguy cơ tụt hậu, lệ thuộc cũng không ít, chúng ta càng quyết không ảo tưởng về mình và về bất cứ ai; không lóa mắt trước những lợi ích nhất thời, nhỏ hẹp, cục bộ vô hình xâm hại lợi ích quốc gia; càng không thể mất cảnh giác trước giặc ngoại xâm từ mọi phía và đủ loại giặc nội xâm!Bởi, chưa bao giờ như bây giờ, lịch sử dân tộc càng yêu cầu, lợi ích quốc gia - dân tộc là cụ thể: Sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng là tối thượng và quyền tự quyết dân tộc XHCN là vô giá! Lợi ích đó không thể bị diệt vong bởi nạn ngoại xâm và càng không thể bị tiêu vong bởi nạn nội xâm. Đó là Quốc sỉ và Quốc thể Việt Nam và chính là sự kết tinh và phát triển bản lĩnh, sức mạnh của văn hóa Việt Nam!
Bốn là, hội nhập quốc tế trên nền móng giữ gìn và nâng niu hòa hiếu bốn bể làm phương lược hành xử chân thành, vì hòa bình thế giới.Bốn phương hòa mục, dân tộc thịnh vượng, đất nước độc lập và thế giới hòa bình! Đây là đạo lý truyền đời của Việt Nam. Trên lộ trình, trong từng bước đi hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam đến với bạn bè bốn phương và mong bạn bè bốn phương đã, đang và sẽ tới Việt Nam đều trân trọng điều giản dị ấy! Thành quả đó là sự nỗ lực của gần 96 triệu đồng bào ta dù ở trong nước hay nước ngoài, dưới ngọn cờ của Đảng, và sự ủng hộ của toàn thể bạn bè quốc tế khắp bốn bể năm châu! Hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp hành tinh đặt mối quan hệ ngoại giao với chúng ta! Do đó, chủ động phát triển không ngừng và sáng tạo văn hóa giữ nước, hội nhập Việt Nam.Đó là khí phách văn hóa Việt Nam.Đó là cốt cách và phẩm giá làm nên Quốc tín và sức mạnh văn hóa Việt Nam!
Nói khái lược: Từ chủ nghĩa yêu nước - chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh - xuyên qua kinh tế bằng kinh tế, bằng chính trị - và sẽ tới văn hóa, tức chủ nghĩa xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng.
Đảng lãnh đạo, cầm quyền để Nhân dân là chủ và làm chủ đất nước
Thứ hai, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền và hành động mang tầm văn hóa và kiến tạo cơ chế lãnh đạo, cầm quyền minh bạch, dân chủ và thống nhất của Đảng.
Sứ mệnh lịch sử lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đòi hỏi không chỉ ở tầm nhìn, quyết tâm chính trị, mà còn ở khả năng tổ chức hành động chính trị và hiệu quả chính trị; không chỉ ở sự định vị vấn đề mà còn ở sự định hướng, định tính và định lượng; không chỉ nhận diện vấn đề ở tầm vóc, chiều sâu mà còn giải quyết vấn đề những vấn đề chiến lược và sách lược một cách hiện thực, khả thi và phương cách thức xử lý toàn vẹn công việc một cách thấm đẫm nhân văn của Đảng.
Đảng tiếp tục tìm tòi và phát triển các phương thức lãnh đạo dân chủ, minh bạch theo hướng ngày càng phát huy năng lực, hiệu lực quản lý xã hội, tổ chức, huy động lực lượng và sức mạnh Nhân dân bằng tổng thể các biện pháp kinh tế, chính trị, xã hội, pháp lý thông qua bộ máy của Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, hệ thống chính trị - xã hội vàtoàn Dân tộc. Đảng lãnh đạo, cầm quyền theo cơ chế: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ - phục vụ Nhân dân là chủ. Tất cả nhằm bảo vệ và nâng cao vị thế, quyền lợi và trách nhiệm làm chủ đất nước của Nhân dân được Nhân dân ủy thác cho Đảng và giao phó cho Nhà nước quyền lực đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng.Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đều nhằm tới xác lập, bảo đảm, hoàn thiện và nâng cao địa vị là chủ và năng lực làm chủ thực tế của Nhân dân. Nhân dân làm chủ trực tiếp và các hình thức làm chủ khác, làm chủ thông qua Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội của mình, do Đảng lãnh đạo, theo pháp luật. Và, dù thế nào,Đảng chịu trách nhiệm lịch sử về sự lãnh đạo, cầm quyền của mình trước Nhân dân theo Hiến pháp, pháp luật và đạo lý dân tộc.
Mối quan hệ giữa mục tiêu cầm quyền và phương thức cầm quyền của Đảng là mối quan hệ giữa cái bất biến và cái khả biến, giữa mục tiêu và phương tiện. Phương thức cầm quyền cơ bản của Đảng hiện nay là, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, sử dụng và giám sát Nhà nước trong vị thế công cụ quyền lực pháp lý, một phương tiện có hiệu lực pháp lý để tổ chức và quản lý xã hội mới, phát triển mọi tiềm lực và sức mạnh của toàn dân tộc theo đường lối chính trị của Đảng, một cách dân chủ, pháp quyền và đạo đức.
Theo đó, Đảng tập trung vào ba bình diện chủ yếu của việc cầm quyền theo pháp luật: một là, lãnh đạo lập pháp; hai là, đi đầu, nêu gương tuân thủ pháp luật; ba là, kiểm tra, giám sát, kỷ luật bảo đảm việc hành pháp thật sự hiệu lực và hiệu quả, công việc tư pháp công minh, công bằng, dân chủ và nghiêm ngặt. Nghĩa là, nắm lấy pháp luật để lãnh đạo, cầm quyền. Nghĩa là văn hóa pháp luật phải trở thành một nhân tố để Đảng lãnh đạo, cầm quyền một cách văn hóa.
Về nguyên tắc, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước phải trực tiếp, toàn diện nhưng có trọng điểm, trên cơ sở phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước theo hướng chuyển mạnh từ Nhà nước quản lý bằng mệnh lệnh hành chính, bằng sắc lệnh sang Nhà nước kiến tạo phát triển và thượng tôn pháp quyền. Nói khái lược, Đảng lãnh đạo, cầm quyền một cách dân chủ trên nền tảng pháp quyền XHCN tự do, đạo đức và nhân văn, phù hợp với luật pháp quốc tế. Thực tiễn đổi mới càng xác tín, văn hóa ngày càng là cội nguồn của mọi mục đích và động cơ phát triển kinh tế, ngày càng trở thành nền tảng tinh thần xã hội; đến lượt nó, sự phát triển của kinh tế trở thành tiền đề vật chất quan trọng, một điều kiện cơ bản để văn hóa phát triển với xu hướng ngày càng thống nhất và hiệu quả; và văn hóa có sức đề kháng trước sự xâm lăng văn hóa, việc giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội đã góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế phát triển theo yêu cầu của công cuộc đổi mới.
Chúng ta tiên liệu và phòng ngừa những mặt phản văn hóa, phi văn hóa trên lộ trình phát triển. Nếu chúng ta để kinh tế mặc sức vị kinh tế, bất chấp văn hóa, sẽ dẫn tới chỗ lợi nhuận vị lợi nhuận, tiền vị tiền, "cá lớn nuốt cá bé” và sẽ rơi vào tình trạng khập khiễng, bấp bênh, thì nhất định thất bại tất cả. Đến lượt chính trị, nếu không có văn hóa thì không còn là một nền chính trị nhân văn nữa và đã không phải là một nền chính trị mang tầm văn hóa thì quyết không phải là nền chính trị mà chúng ta xây dựng… Kinh tế là thể hiện trực tiếp của văn hóa, hay nói cách khác văn hóa là tầng sâu thực thể của sự phát triển kinh tế, là cái không thể đo được, đếm được và đó chính là cội nguồn, là căn bản để phát triển. Đó chính là đường lối phát triển kinh tế, chính là văn hóa trong kinh tế. Do đó, văn hóa phải xuyên thấm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; và chính vì như thế, văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực của toàn bộ công cuộc kiến tạo nước nhà. Chỉ có đặt văn hóa không thể đứng hàng thứ 2 so với kinh tế hay chính trị trong công cuộc đổi mới, chúng ta mới bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Nói một cách tổng quát, văn hóa chính là con người, con người sáng tạo văn hóa, cho nên phát triển văn hóa xét tới cùng, chính là phát triển con người. Theo đó, mỗi quyết sách luôn được xem xét trước hết là một quyết sách có tính văn hóa, chính trị và xã hội, chứ không phải là một quyết sách dù kinh tế, xã hội đơn thuần; và đến lượt văn hóa, xã hội cũng vậy, mỗi quyết sách phải thấm đẫm tính chính trị, tính kinh tế và nhân văn sâu sắc. Qua đó, một môi trường văn hóa - chính trị - xã hội ổn định được xây dựng để phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường… một cách chủ động, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, với nền móng là văn hóa cộng đồng, văn hóa pháp luật, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở bằng rường cột là văn hóa chính trị. Nghĩa là văn hóa kinh tế, văn hóa ngoại giao, văn hóa môi trường, văn hóa trong chính văn hóa… phải là những nhân tố hợp thành văn hóa chính trị lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Đặc biệt, các năm 2009, 2020, trong cơn bão táp khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19 hoành hành, Đảng ta tiếp tục xử lý thành công 10 mối quan hệ rường cột, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, trực tiếp ổn định chính trị đất nước, kinh tế tăng trưởng đáng ghi nhận, đời sống của Nhân dân tiếp tục được giữ vững, nhiều mặt được cải thiện. Việc hoạch định các chính sách (vĩ mô và vi mô) phát triển văn hóa, xã hội và tăng trưởng kinh tế được tính toán tổng thể không chỉ căn cứ vào mục tiêu với mức độ thành công mà luôn tính đến phương thức thực thi và các hệ quả của chúng; thường trực được xem là một quá trình có tính chính trị - văn hóa - và xã hội trước khi là một quá trình kinh tế và công nghệ, văn hóa đơn thuần, xã hội cục bộ, để tránh quy luật “kinh tế vì kinh tế”, “tiền vì tiền”, “vì kinh tế, bất chấp đạo lý”... Đó chính là yêu cầu bảo đảm tính văn hóa của mọi sự phát triển.
Thực tiễn đổi mới càng cho thấy, con người phải là trung tâm của mọi sự phát triển và tất cả mọi sự phát triển phải xoay quanh con người, chứ không phải ngược lại. Nhân dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm của mọi sự phát triển. Đảng lãnh đạo, cầm quyền để Nhân dân là chủ và làm chủ đất nước. Đó không chỉ là tầm nhìn chính trị mà còn là đạo lý nhân sinh. Kinh tế vì con người, chính trị hướng tới con người, bảo đảm xã hội, quản trị xã hội tốt càng hướng tới con người. Thực tiễn ở một số nơi thời gian qua càng thấm thía và cấp bách rằng, vấn đề không chỉ dừng lại ở chỗ gần Dân, hiểu Dân mà điều căn bản và quyết định nhất là, sống và hành động thật sự thành tâm ở trong lòng Dân, thấu cảm Nhân dân và tất cả vì Nhân dân. Đó chính là cái gốc của văn hóa lãnh đạo, cầm quyền.
Vì, đỉnh cao của văn hóa lãnh đạo, cầm quyền không chỉ là sự kết tinh ý thức và hành động căn bản của Đảng có thật sự do Nhân dân, của Nhân dân tới đâumà thành tựu của nó to hay nhỏ, ý nghĩa của nó thấp hay cao lại được quyết định bởi mức độ vì Nhân dân và cho Nhân dân ở mức nào.
Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ và chủ động hội nhập quốc tế, càng rõ ràng là, con đường mà Đảng lựa chọn và xử lý công việc lãnh đạo, cầm quyền mang tầm văn hóa trên cơ sở không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền, nhất định phải tiến tới xây dựng và phát triển nghệ thuật lãnh đạo, cầm quyền là nhu cầu tất yếu, là đòi hỏi bức thiết,vì sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Việt Nam.