Theo ông Nguyễn Thế Du, Chủ tịch hội nghề thêu làng Đông Cứu, nghề thêu ở nơi đây khởi nghiệp từ hơn 300 năm trước, khi ông Lê Công Hành học hỏi ở nước ngoài về và sáng tạo thêm truyền lại. Trong đó, kỹ thuật thêu cổ truyền bắt nét kim tuyến, với sản phẩm chính là thêu long bào, áo mão cho quan chức, quý tộc trong triều. Đây chính là kỹ thuật đặc sặc riêng có của làng nghề truyền thống này mà không nơi nào có được. Tiếc rằng với nghề tinh xảo và hết sức kỳ công này, giờ đây, số người biết được kỹ thuật này còn lại không nhiều. Mặc dù, ông Du cho biết, hiện nay, cả làng có trên 80% hộ có người làm nghề thêu, trong đó có hơn 40 người làm chủ xưởng thêu (cả quy mô lớn và nhỏ) nhưng thông thạo kỹ thuật thêu cổ truyền thì ít người biết được.
Ngày nay, được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền, cùng với lợi ích kinh tế từ nghề thêu mang lại, số người tham gia phát triển kinh tế bằng nghề này ngày càng đông. Trung bình, một ngày công của một thợ thêu có thu nhập khoảng 120.000 - 160.000 nghìn đồng/ngày. Hiện nay, làng chủ yếu tập trung sản xuất các mặt hàng phục vụ di tích, lễ hội như nghi môn, áo, khăn lễ, câu đối, trướng, tán, lọng,… Các mặt hàng này hầu như đã có mặt ở khắp nơi trên cả nước. Trung bình, với những sản phẩm bình thường, như áo lễ, để hoàn thành một chiếc, mất khoảng 15 - 30 ngày công. Với những chiếc áo chất lượng cao, giá của mỗi chiếc có thể lên đến 25 - 40 triệu đồng, với thời gian làm từ 120 - 140 ngày công. Những năm gần đây, kinh tế ngày càng phát triển, nhiều di tích, lễ hội truyền thống trên cả nước được khôi phục, phát triển mạnh đã tạo điều kiện cho nghề thêu ở làng Đông Cứu phát triển.
Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường cùng với nhu cầu đầu ra khan hiếm đang là một thách thức lớn đối với việc bảo tồn và phát huy kỹ thuật thêu long bào truyền thống đặc sắc của làng. Giờ đây, việc phục chế để tiêu thụ sản phẩm áo long bào của vua chúa xưa kia là việc rất khó, vì không biết bán cho ai. Để thêu xong một chiếc long bào đòi hỏi kỹ thuật tay nghề rất cao, và thời gian thì có thể mất đến hàng năm. Hiện nay, làng Đông Cứu chỉ còn duy nhất nghệ nhân Vũ Văn Giỏi còn duy trì được kỹ thuật này. Giá của mỗi chiếc long bào phục chế như nguyên bản rất cao. Cụ thể, có chiếc long bào nghệ nhân Giỏi phục chế có giá lên đến cả tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc phục chế được chiếc long bào hoàn chỉnh mất quá nhiều thời gian, lên đến hàng năm trời. Mặt khác, việc tìm kiếm chất liệu phục chế bộ long bào cũng hết sức khó khăn. Chính vì vậy, người dân làng hiện nay tập trung theo hướng thêu những sản phẩm khăn chầu, áo ngự,… với thời gian hoàn thành nhanh chóng lại không đòi hỏi kỹ thuật quá cao mà có thị trường tiêu thụ dễ dãi hơn.
Nghề thêu phát triển mạnh, mang lại một nguồn lợi kinh tế không nhỏ đến cuộc sống của những người dân nơi đây. Bên cạnh việc phát triển nghề thêu, UBND xã cũng chú trọng, đẩy mạnh việc phát triển các nghề khác, tạo thu nhập cho bà con nhân dân như làm khung tranh, làm vải bạt, buôn bán các nguyên vật liệu phục vụ cho nghề thêu,… Đặc biệt, thế hệ trẻ trong làng rất tích cực theo nghề mà cha ông đã để lại. Nhiều người trở thành thợ lành nghề khi còn rất trẻ (20 tuổi). Đây là tín hiệu đáng mừng khi có rất nhiều làng nghề truyền thống mai một khi không thu hút được niềm đam mê của lớp người trẻ. Nắm bắt được tình hình này, địa phương luôn tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho những mô hình sản xuất phát triển, cũng như hoàn thiện các chính sách cho vay vốn khuyến khích bà con sản xuất. Trong thời gian tới, bà con nhân dân rất mong muốn được xây dựng một điểm trưng bày sản phẩm của làng nghề, quảng bá sản phẩm, thúc đẩy buôn bán và không những thế, còn có thể phát triển du lịch làng nghề tại đây.
Chắt lọc truyền thống, kiến tạo tương lai
Trong xu thế toàn cầu hóa, việc bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc truyền thống trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, thay vì nệ cổ, cần có sự kết hợp hài hòa để tạo ra những công trình vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hiện đại.