Lễ hội diễn ra từ ngày 9.11 đến ngày 15.11 nhằm tôn vinh những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa và cảnh quan du lịch Sóc Trăng đến với du khách trong và ngoài nước.
Đến với lễ hội, du khách có dịp tham dự nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, đồng thời tìm hiểu Lễ Cúng trăng của đồng bào Khmer, ngắm đèn nước và ghe Cà Hâu trên sông Maspéro. Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là Giải đua ghe Ngo- một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Sóc Trăng.
Trong chuỗi sự kiện của Tuần Văn hóa, thể thao và du lịch, du khách sẽ được thưởng thức các tiết mục trình diễn nhạc ngũ âm, trải nghiệm mua sắm hàng hóa, sản phẩm OCOP, thưởng thức nhiều món ăn phong phú với liên hoan ẩm thực đường phố “Hương vị Sóc Trăng”…Tất cả là món quà ý nghĩa Sóc Trăng muốn gửi tặng người dân và du khách gần xa.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi, bên cạnh việc đầu tư thu hút phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Sóc Trăng cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa lễ hội tại địa phương, trong đó có Lễ hội Oóc Om Bóc- đua Ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer. Lễ hội năm nay là một bước tiến quan trọng để xây dựng thương hiệu lễ hội Sóc Trăng và đẩy mạnh quảng bá, kích cầu du lịch của tỉnh.
Tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng, lễ hội sẽ để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng du khách, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, liên kết hợp tác để phát triển về du lịch.
Thông qua Lễ hội, Sóc Trăng sẽ tiếp tục được đón nhận là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, ấn tượng trong lòng du khách và bè bạn gần xa trên hành trình khám phá văn hóa, vùng đất, con người Phương Nam nói chung và vùng sông nước Cửu Long nói riêng.
Giải đua năm nay có 60 đội ghe ngo (53 đội nam và 7 đội nữ) tham gia tranh tài, trong đó trong tỉnh có 48 đội (45 đội nam và 3 đội nữ), ngoài tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, có 12 đội ghe (8 đội nam và 4 đội nữ).
Tại Lễ hội, tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục “Chương trình trình diễn nhạc ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam”, quy tụ 20 dàn ngũ âm với khoảng 200 diễn viên, nhạc công tham gia trình diễn.