Qua hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, CVĐ đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên để từ nhận thức trở thành thói quen tiêu dùng hằng ngày của người dân khi ưu tiên mua và sử dụng hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam cần những nỗ lực từ cơ chế chính sách đến cách làm của doanh nghiệp. Việc xây dựng và đẩy mạnh bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, tăng tỷ lệ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đinh Hữu Phí, khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá trị và uy tín của nhiều sản phẩm gia tăng đáng kể. Ví dụ mật ong bạc hà Mèo Vạc sau khi bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quảng bá sản phẩm đã tăng giá gần gấp đôi. Tương tự, nước mắm Phú Quốc tăng giá từ 30-50%, bưởi Phúc Trạch tăng từ 30-35%, cam Vinh tăng hơn 50% sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý... Một số sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý cũng đã được xuất khẩu, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài như: Thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn...
Cũng theo ông Phí, một số địa phương có chỉ dẫn địa lý như Bình Thuận (thanh long), Tân Cương (chè shan tuyết), Phú Quốc (nước mắm)... đều thu hút một bộ phận lao động quan trọng trong vùng, giúp giảm di dân và góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, làng nghề nước mắm của Phú Quốc thu hút hơn 100 doanh nghiệp tham gia và tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Thanh long Bình Thuận tạo việc làm cho gần 200 tổ hợp tác và hơn 4.600 hộ nông dân…
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống của Hà Nội sau khi được bảo hộ có giá trị gia tăng và nhận được sự quan tâm của các đối tác nước ngoài như: Mây tre đan Phú Nghĩa; sản phẩm sơn mài Hạ Thái - Duyên Thái; tranh thêu tay Thường Tín; giày da Phú Yên - Phú Xuyên; nhãn chín muộn Quốc Oai; chuối Vân Nam…
Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương Lê Việt Nga cho biết, một số tổ chức, đơn vị sản xuất hàng hóa gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các hộ nông dân do chưa xây dựng được thương hiệu nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng. Các doanh nghiệp phân phối chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng. Nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu hàng hóa, theo bà Nga, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang tạo những chuyển biến tích cực từ xây dựng chiến lược, sản xuất, quảng bá sản phẩm đến thay đổi trong cách lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để đạt những mục tiêu mà Cuộc vận động đưa ra cũng như phát huy tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm, dịch vụ trong nước vẫn còn nhiều việc phải làm như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển hàng sản xuất trong nước; tạo cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi, quảng bá, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, một chiến lược hoàn chỉnh cạnh tranh quốc gia… Ngoài ra là những biện pháp hữu hiệu xử lý vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, khuyến khích, bảo vệ người tiêu dùng.
Đây là quá trình cần sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết. Cùng với đó là những thay đổi trong thói quen mua sắm hằng ngày của mỗi người, góp phần vào kích thích sản xuất, tạo nguồn nội lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tích cực, bền vững.