Chia sẻ tại tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 18.9, nhìn từ góc độ cơ quan hoạch định chính sách và giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, cùng với quá trình phát triển, vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng trở nên cấp bách, trong đó đáng quan tâm là kiểm soát nguồn thải cũng như quản lý chất thải rắn.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến chủ yếu trao đổi liên quan đến công nghệ, tuy nhiên, theo ông Tạ Đình Thi, có 6 vấn đề cơ bản cần nhìn nhận tổng thể và toàn diện: Thứ nhất là vấn đề nhận thức, gồm nhận thức của người dân, nhận thức của các cấp, các ngành. Thứ hai là chính sách pháp luật, trong chính sách pháp luật, vấn đề về quy hoạch đáng quan tâm. Thứ ba là vấn đề quản lý. Thứ tư là vấn đề công nghệ. Thứ năm là về hạ tầng. Và thứ sáu là vấn đề tài chính.
Nhằm thu hút các nguồn lực để xử lý, tái chế chất thải theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển ở nước ta hiện nay, theo ông Tạ Đình Thi, trong thời gian qua, nhiều chủ trương chính sách pháp luật đã được ban hành liên quan đến việc thu hút huy động đa dạng hóa xã hội hóa và sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính. Trong đó có 3 luật cơ bản liên quan trực tiếp: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Luật Bảo vệ môi trường có chương riêng quy định về các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường, có mục quy định về nguồn lực bảo vệ môi trường. Ông Tạ Đình Thi cho rằng, đạo luật này rất quan trọng để thực hiện, tổ chức huy động các nguồn lực hiệu quả. Khi luật có hiệu lực, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10.1.2022 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có các điều khoản quy định cụ thể, đặc biệt là các Điều 151, 152, 153.
Luật Đầu tư có quy định danh mục các ngành nghề được ưu đãi đầu tư, trong đó có quy định các hoạt động bảo vệ môi trường. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cũng quy định các lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt có mức đầu tư tối thiểu 200 tỷ đồng trở lên.
Trên thực tế, các chính sách này đang được triển khai. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhận thấy, liên quan đến thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, tính đến tháng 12.2023, hầu hết các dự án PPP trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa dự án nào được triển khai. Hay quy định tín dụng xanh trong Luật Bảo vệ môi trường, Điều 149, đến năm 2015, mức tín dụng xanh là 71.000 tỷ đồng, cuối năm 2021 tăng lên mức 440.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cơ chế khác như cơ chế định giá thu gom chất thải rắn sinh hoạt dựa trên định lượng, việc triển khai cơ chế trách nhiệm, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)… cũng đang được thực hiện. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2023, các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ theo quy định của luật, có 60 doanh nghiệp đóng góp số tiền khoảng 435 tỷ đồng cho quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam…
Theo ông Tạ Đình Thi, những con số trên còn rất khiêm tốn. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao để tiếp tục cụ thể hóa các chính sách pháp luật để đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các yếu tố, đặc biệt là nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường, bên cạnh nguồn lực nhà nước. Với nguồn lực nhà nước, chi đúng, chi đủ, sử dụng hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách hiện nay.