Biên bản hợp tác đánh dấu gần 40 năm quan hệ hợp tác giữa IOM và Bộ Y tế, bắt đầu từ những năm 1980. Quan hệ đối tác này đã được phát triển từ chương trình đánh giá sức khỏe của IOM đối với người dân di cư ở các quốc gia đích cho đến các nỗ lực trong lĩnh vực y tế cộng đồng, điển hình như việc tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thuận lợi hơn cho người di cư, tăng cường kiểm soát dịch bệnh xuyên biên giới và ứng phó, chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, thỏa thuận hợp tác này đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa Bộ Y tế với Liên Hợp Quốc nói chung, IOM nói riêng, nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.
Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam Park Mi-Hyung nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác kịp thời này nhằm bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người di cư, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM) và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
“Trong một thế giới ngày càng có nhiều người dịch chuyển, sự hợp tác và quan hệ đối tác rất quan trọng để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người di cư. Người di cư khỏe mạnh góp phần tạo nên cộng đồng khỏe mạnh”, bà Park Mi-Hyung chia sẻ.
Bà Park Mi-Hyung bổ sung: “Là cơ quan hàng đầu của Liên Hợp Quốc về di cư an toàn, IOM cam kết hợp tác lâu dài và chiến lược với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Y tế, để bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho mọi người, bao gồm cả người di cư. Chúng tôi mong muốn củng cố hơn nữa sự hợp tác vốn đã chặt chẽ giữa hai bên”.
Việt Nam là quốc gia có nguồn xuất khẩu lao động lớn, đặc biệt trong bối cảnh người dân có nhu cầu cao tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài. Dữ liệu gần đây cho thấy sự gia tăng trở lại của lao động di cư quốc tế, khi chỉ trong năm 2023 đã có khoảng 155.000 công dân Việt Nam tìm được việc làm ở nước ngoài, tương đương gần 1/3 số lao động mới gia nhập thị trường lao động.
Tương tự như các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, gánh nặng về các vấn đề sức khỏe ở Việt Nam vẫn phức tạp, bao gồm các bệnh truyền nhiễm, rủi ro sức khỏe nghề nghiệp và chấn thương, thách thức về sức khỏe tâm thần, các bệnh không lây nhiễm (như tim mạch và tiểu đường), sức khỏe bà mẹ và trẻ em...