Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Với quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh… Môi trường ở nước ta đã và đang chịu áp lực lớn cả về số lượng, quy mô và mức độ tác động. Ðáng lo ngại, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến phức tạp, lượng chất thải ngày càng gia tăng; công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao. Do đó, quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.
Nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cho đến năm 2050, việc tìm các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn là vô cùng cần thiết. Điều này đòi hỏi cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, giải pháp công nghệ xử lý, tái chế tiên tiến, hiệu quả về kinh tế và môi trường, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Dưới góc độ khoa học, việc xác định tiêu chí và phương pháp đánh giá phù hợp, lựa chọn công nghệ phù hợp là một bước rất quan trọng để tìm ra phương án giải quyết vấn đề bức xúc rất lớn của xã hội trong nhiều năm qua. Vấn đề không chỉ có mỗi khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mà còn là vấn đề quản lý, tổ chức điều hành làm thế nào để xử lý vấn đề rác thải. Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn là vấn đề của nhiều nước trên thế giới hiện nay. Bởi lẽ, hiện nay ở Việt Nam rác thải cơ bản là chất thải rắn sinh hoạt chiếm chủ yếu và nhiệt lượng rất thấp, nó chỉ khoảng 5.000 – 5.500 KJ/kg và độ ẩm rất cao, có thể tới đến 60% độ ẩm. Vì vậy, việc xử lý tái chế rác thải rắn sinh hoạt vào mục đích phát điện hay các mục đích khác là rất khó. Đáng nói hơn, chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam không có sự phân loại ở đầu nguồn do hệ thống của chúng ta chưa bảo đảm như những nước phát triển.
Cần có cách tiếp cận đặc biệt
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chậm nhất đến ngày 31.12.2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Đây là một bước quan trọng nhằm giảm lượng chất thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, làm thế nào để thực hiện phân loại rác tại nguồn một cách hiệu quả là một bài toán khó cho các cơ quan chức năng. Bởi lẽ, khi không phân loại được rác tại nguồn về mặt công nghệ sẽ rất khó xử lý.
Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho biết, ở các nước phát triển ở châu Âu, để xử lý 1 tấn rác hết khoảng 70 - 80 euro nhưng tại Việt Nam chỉ hết khoảng 400.000 đồng, với định mức như vậy và nền kinh tế của nước ta hiện nay sẽ rất khó để nâng mức đấy lên. Hơn nữa, để xử lý triệt để về tiêu chí môi trường, bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư và giải quyết cơ bản được khoảng 70.000 tấn rác/ngày và còn có thể tăng nhanh trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn. “Chính vì vậy, chúng ta phải suy nghĩ và có cách tiếp cận đặc biệt và không thể bê nguyên công nghệ của thế giới, bài học của thế giới, hệ thống tổ chức quản lý rác thải, thậm chí đã thành công của thế giới đưa về áp dụng tại Việt Nam” ông Sỹ nhấn mạnh.
Về vấn đề tiêu chí, phương pháp đánh giá, lựa chọn các công nghệ, để đáp ứng được tình hình của Việt Nam phải phải bảo đảm về môi trường an toàn tuyệt đối cho xã hội, không để khối lượng đốt nhỏ đi về số lượng nhưng lại tạo ra một lượng khói độc dioxin và furan làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Bên cạnh đó, phải bảo đảm yếu tố đầu tư phải có lợi nhuận cho nhà đầu tư. Bởi lẽ, nhà nước không thể bao cấp hết tất cả trong khi ngân sách nhà nước có hạn, nền kinh tế chưa cho phép, do đó phải xã hội hóa ngành công nghiệp xử lý và tái chế rác. Ngoài ra, phải cân nhắc, lựa chọn công nghệ phù hợp với loại rác cần xử lý và công nghệ đó cần được cải tiến, phù hợp điều kiện của Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng, về phương pháp tổ chức thực hiện, đây là vấn đề không thể một đơn vị, một doanh nghiệp có thể giải quyết được. Bởi, thực tế hiện nay không ít trường hợp người dân sống ở gần những bãi rác biểu tình cản trở xe không cho vào bãi rác. Do đó, đây không còn là vấn đề môi trường mà nó còn lớn hơn thế. Vì vậy, tôi mong rằng là không chỉ các đơn vị chuyên môn mà các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải đưa vấn đề này thành một trong những vấn đề trọng tâm, trọng điểm thì mới có thể giải quyết được.