Không lạm quyền
Luật An ninh mạng quy định về các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Giải thích dễ hiểu hơn, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng, Luật góp phần nêu cao ý thức của người dân trong phòng, chống tội phạm mạng, bảo vệ bản thân và gia đình.
Lấy một ví dụ thiết thân đến chính đời sống hàng ngày của người dân, Ủy viên Thường trực Nguyễn Thanh Hồng cho biết, nếu chưa có sự đồng ý của con, bố mẹ không được đưa ảnh của trẻ lên mạng xã hội. Quy định này tưởng chừng đơn giản, nhưng chính là để bảo vệ quyền nhân thân của trẻ em, bảo vệ trật tự xã hội, phòng ngừa tội phạm. Giả sử, bố mẹ đưa hình ảnh hoạt động của con em mình lên mạng quá nhiều - đây cũng là kẽ hở để đối tượng tội phạm biết được bí mật thông tin, có thể nảy sinh ý định và hành vi bắt cóc trẻ, tống tiền.
Việt Nam được đánh giá là một trong 7 quốc gia có tốc độ phát triển internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Ước tính, nước ta hiện có hơn 80 triệu tài khoản Facebook và 50 triệu thuê bao internet. Mặt trái của sự phát triển đi kèm với không ít hiểm họa, khi nước ta luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới; tội phạm khủng bố, tội phạm rửa tiền, tổ chức đánh bạc, môi giới, mại dâm, buôn bán vũ khí, ma túy phát triển nhanh. Tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn làn. Điều này càng minh chứng phải có Luật An ninh mạng.
Luật quy định rõ các nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng. Đó là tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng. Đồng thời, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi tổ chức hoạt động cấu kết, xúi giục, mua chuộc lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thông tin sai sự thật gây hoang mang, thiệt hại cho các hoạt động KT - XH.
Là thành viên Ban soạn thảo, trả lời báo chí, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an Hoàng Phước Thuận cho biết thêm, Luật giúp người dân hiểu thế nào là hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Hiểu đúng để điều chỉnh hành vi cho đúng, và người sử dụng không mắc phải những quy định cấm đã nêu trên. Cũng có quan điểm cho rằng, quy định trong Luật sẽ khiến cơ quan an ninh lạm quyền, nhưng đây có thể do người dân chưa đọc kỹ, chưa hiểu hết nội dung điều luật. Vì theo quy định của Luật, cơ quan an ninh của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chỉ giám sát các hành vi vi phạm pháp luật khi người sử dụng vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Ngược lại, nếu cơ quan chuyên trách về an ninh mạng lạm dụng nghiệp vụ để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm an ninh quốc gia thì cũng bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Vì thế, chắc chắn không có chuyện lạm quyền.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phát biểu tại hội trường |
Ảnh: Lâm Hiển |
Không nảy sinh giấy phép con
Luật An ninh mạng không gây rào cản cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, không làm nảy sinh giấy phép con. Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục An ninh mạng Hoàng Phước Thuận. Luật tạo mọi điều kiện cho người dân sử dụng không gian mạng ở bất cứ loại hình dịch vụ nào. Trái lại doanh nghiệp có thể giảm chi phí nếu đặt server ở Việt Nam. Như vậy, mọi người có thể yên tâm sử dụng Facebook, Youtube, hoạt động kinh doanh qua không gian mạng nếu không vi phạm vào các điều cấm của luật.
Cũng theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng, Luật quy định chỉ cung cấp những dữ liệu đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm; những dữ liệu liên quan tới bí mật doanh nghiệp, quyền của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng không can thiệp. Để tránh phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, Luật quy định: “Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”.
Thực tế, thông tin người dùng, thông tin doanh nghiệp là tài sản của cá nhân, doanh nghiệp và được Nhà nước bảo vệ. “Hiến pháp bảo vệ quyền nhân thân, quyền tài sản, cho nên dữ liệu quan trọng của người sử dụng Việt Nam phải được lưu trữ tại Việt Nam” - Ủy viên Thường trực Nguyễn Thanh Hồng chỉ rõ - và “nên nhớ, thông tin của người dùng hiện có giá trị thương mại rất lớn”. Vụ Facebook bán dữ liệu người dùng cho công ty ở Anh là ví dụ điển hình cho thấy sự cần thiết phải có quy định của luật điều chỉnh hành vi này.
Hơn nữa, không riêng Việt Nam mà trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng của UBTVQH cho thấy, đã có 18 quốc gia là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia của họ, trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Đức, Australia, Pháp… Hiện nay, Google và Facebook đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu ở Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Khi Luật có hiệu lực vào ngày 1.1.2019, các doanh nghiệp phải dịch chuyển đám mây điện toán (máy chủ ảo) về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Thời gian để thực hiện hoàn toàn khả thi.
Trường hợp trung tâm dữ liệu được đặt ở nước ta tuy có gia tăng chi phí doanh nghiệp, nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài, cũng như hoạt động sử dụng dịch vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước cũng có điểm thuận lợi hơn. Nếu gặp sự cố gián đoạn sẽ được xử lý nhanh hơn. Cơ quan chức năng sẽ quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này. Và khi có hành vi xâm phạm an ninh mạng, việc phối hợp, xử lý thông tin và hành vi vi phạm sẽ hiệu quả hơn.
Tất cả những phân tích nêu trên cho thấy, cần có cái nhìn đúng đắn và sâu sắc hơn đối với một đạo luật vừa được Quốc hội xem xét, thông qua. Ở góc độ thực tiễn, rõ ràng, Luật An ninh mạng như “người lính” canh gác, tạo hành lang pháp lý, bảo vệ cho toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của người dân, doanh nghiệp (cả trong nước và nước ngoài) trên lãnh thổ Việt Nam tốt hơn. Lực lượng an ninh mạng chỉ can thiệp khi phát hiện thấy hành vi vi phạm pháp luật, gây phương hại tới an ninh quốc gia.