- Đến ngân hàng SCB gửi tiết kiệm "mua nhầm" bảo hiểm Manulife, khách hàng khởi kiện ra tòa
- Đến ngân hàng gửi tiết kiệm, sau tư vấn, khách hàng "mua nhầm" bảo hiểm Dai-ichi
- Thêm nhiều khách hàng của TPBank phản ánh "mua nhầm" bảo hiểm Sun Life
- “Cộng sinh” cùng bảo hiểm Sun Life, ACB thu về hàng nghìn tỷ mỗi năm
Mối lợi nghìn tỷ từ Bancassurance
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính riêng nửa đầu năm 2022, doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm thông qua hợp tác với ngân hàng (bancassurance) tại Việt Nam chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới, giúp ngành bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.
Trong hoạt động bancassurance, bảo hiểm Manulife Việt Nam là cái tên nổi bật. Những năm gần đây, có thể thấy Manulife liên tục "bành trướng" thế lực của mình qua hàng loạt ký kết hợp tác và các thương vụ thâu tóm thị trưởng bảo hiểm. Đáng kể nhất gần đây là thương vụ mua lại bảo hiểm Avia.
Theo thông tin được công bố, Manulife là nhà cung cấp bảo hiểm độc quyền với 3 "ông lớn" ngân hàng là Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank).
Tháng 12.2020, Manulife Việt Nam và Vietinbank chính thức ký kết thoả thuận hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua hệ thống mạng lưới của VietinBank.
Hợp đồng này giúp Manulife nhanh chóng tiếp cận hơn 14 triệu khách hàng thông qua mạng lưới hơn 150 chi nhánh và 1.000 phòng giao dịch VietinBank trên cả nước.
Báo cáo tài chính quý 4.2022 của VietinBank không tiết lộ cụ thể doanh hoa hồng nhận được từ Manulife, nhưng cũng cho thấy thu nhập từ “hoạt động dịch vụ nhận được” là 4.603 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trước đó, tháng 9.2017, Manulife Việt Nam và Techcombank này chính thức ký kết thỏa thuận 15 năm hợp tác bancassurance. Hợp đồng này đã giúp cho Manulife tiếp cận tệp khách hàng mới thông qua hơn 300 chi nhánh, phòng giao dịch của Techcombank trên cả nước.
Riêng phí hoa hồng từ các hợp đồng bảo hiểm, Techcombank được nhận từ Manulife trong năm 2022 số tiền 1.750 tỷ đồng, tăng 12,34% so với năm 2021.
Theo báo cáo tài chính quý 4.2022, ngân hàng này không tách bạch riêng khoản thu nhập từ bảo hiểm, chỉ công bố thu nhập từ hoạt động dịch vụ nhận được tại Techcombank năm vừa qua tăng vọt thêm 97%, đạt 6.234 tỷ đồng (từ mức 3.150 tỷ đồng của năm 2021).
Tháng 9.2015, Manulife Việt Nam trở thành đối tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua hệ thống mạng lưới của Ngân hàng SCB. Đây là thỏa thuận hợp tác độc quyền đầu tiên của Manulife Việt Nam trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng.
Trong số 3 nhà băng nêu trên, cuộc hợp tác của Manulife với SCB gặp nhiều sóng gió nhất khi mới đây hàng loạt khách hàng đã có đơn khiếu nại về việc đến ngân hàng SCB, sau một hồi tư vấn, khách hàng lại "mua nhầm" bảo hiểm Manulife. Một số khách hàng khi đòi hủy hợp đồng bất thành đã khởi kiện Manulife và SCB ra tòa.
Thực tế cho thấy, hiện nay, tại nhiều ngân hàng, nhân viên tư vấn đã không ngần ngại ra điều kiện yêu cầu khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để được nhanh chóng giải ngân khoản vay. Đáng chú ý, nhiều ngân hàng còn "mời chào" khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ để được hưởng mức lãi suất ưu đãi.
Chưa dừng lại ở đó, một bộ phận nhân viên tư vấn ngân hàng còn lôi kéo khách hàng tham gia các gói dịch vụ gửi tiền tiết kiệm đầu tư nhưng sau đó lại nhận được hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Thậm chí, khách hàng còn tố thông tin sức khoẻ và chữ ký của khách hàng trên hợp đồng bảo hiểm là không chính xác.
Trước tình trang đáng báo động trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tuýt còi hành vi ép khách vay mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, với nguồn lợi hàng nghìn tỷ mỗi năm, các ngân hàng khó có thể bỏ qua mối lợi từ việc bán bảo hiểm nên nhiều nhân viên tư vấn bất chấp bán bảo hiểm cho khách hàng.
Doanh thu khủng nhưng liên tục báo lỗ
Số liệu thống kê về hoạt động ngành bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2022 do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam công bố cho thấy: Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 25.111 tỷ đồng giảm 2,3 % so với cùng kỳ năm trước.
Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Manulife với 4.685 tỷ đồng, Prudential với 4.490 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 3.322 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ với 2.678 tỷ đồng và MB Ageas với 2.197 tỷ đồng.
Năm 2021, Manulife có doanh thu đạt mức 24.145 tỷ đồng, tăng 4.444 tỷ đồng so với năm 2020. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các chi phí, Manulife báo lỗ 4.741 tỷ đồng. Mức lỗ này tăng mạnh so với số lỗ 1.642 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2020. Tình trạng này đã nâng tổng lỗ lũy kế đến 31.12.2021 của Manulife lên đến 7.960 tỷ đồng.
Mở rộng giai đoạn trước đó, lợi nhuận của Manulife liên tục trồi sụt. Cụ thể, năm 2016 lãi 372 tỷ đồng; năm 2017 lỗ 993 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 2.177 tỷ đồng; năm 2019 lãi 1.014 tỷ đồng; năm 2020 lỗ 1.642 tỷ đồng.