TP. Hồ Chí Minh:

Đến ngân hàng SCB gửi tiết kiệm "mua nhầm" bảo hiểm Manulife, khách hàng khởi kiện ra tòa

- Thứ Bảy, 11/03/2023, 08:00 - Chia sẻ

Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận đang thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm liên quan đến Công ty TNHH Manulife Việt Nam.

Ra ngân hàng gửi tiền tiết kiệm, bỗng thành mua bảo hiểm nhân thọ Manulife -0
Trụ sở Công ty TNHH Manulife Việt Nam tại quận 7

 Tòa án nhân dân (TAND) quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh vừa có thông báo thụ lý vụ án liên quan đến Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife, 75 Hoàng Văn Thái, phường Tân Phú, quận 7) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) về việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm (HĐBH). Nguyên đơn trong vụ việc là ông Đ.Q.M. (SN 1960).

Ông M. khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố: HĐBH số 2903178225 ngày 10.6.2021 và HĐBH số 2902199115 ngày 6.7.2021 được ký giữa ông M. và Manulife vô hiệu do bị lừa dối bởi bên thứ 3.

Buộc Manulife và Ngân hàng TMCP Sài Gòn liên đới chịu trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ phí bảo hiểm của nguyên đơn đã đóng theo 2 hợp đồng nêu trên. Tổng số tiền phải trả hơn 120 triệu đồng và tiền lãi suất 10% tạm tính từ ngày chuyển tiền đến 21.10.2022 là hơn 9 triệu đồng.

Trong đơn khởi kiện, ông M. trình bày, ngày 4.6 và 5.7.2021, ông đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (chi nhánh Gia Định – Phòng Giao dịch Bà Chiểu, quận Phú Nhuận) gửi tiền tiết kiệm. Tại đây, ông được nhân viên ngân hàng tư vấn gói tiết kiệm ưu đãi “tâm an đầu tư” với lãi suất cao từ 8 – 9%/năm. Sau một năm đã sinh lợi nhuận và được hưởng lãi ngay sau 12 tháng.

“Nhân viên ngân hàng không nói rõ đây là hợp đồng đầu tư có bảo hiểm nhân thọ, chỉ nói chia thành 2 tài khoản gồm cố định và linh hoạt. Với sự tư vấn của nhân viên ngân hàng, tôi hiểu rằng gói sản phẩm trên là gửi tiết kiệm có kèm khuyến mãi quyền lợi bảo hiểm. Sau đó, nhân viên ngân hàng hướng dẫn và yêu cầu tôi ký vào tờ" ông M. trình bày trong đơn.

Theo ông M. khi ký các giấy tờ trên, ông không được đọc, cũng như không được giải thích về nội dung của hợp đồng. Khi ông thắc mắc hỏi về hợp đồng thì nhân viên ngân hàng trả lời rằng hợp đồng sẽ được gửi lại cho ông sau.

Tiếp đó, dưới sự hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, ông đã chuyển tiền vào tài khoản của Manulife tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn, chi nhánh Gia Định – Phòng Giao dịch Bà Chiểu, tổng số tiền 300 triệu đồng (chuyển 2 lần vào ngày 4.6 và 5.7.2021).

Ra ngân hàng gửi tiền tiết kiệm, bỗng thành mua bảo hiểm nhân thọ Manulife -0
Công ty TNHH Manulife là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm mà TAND quận Phú Nhuận đang thụ lý

Khoảng 2 tuần sau khi ký, ông M. nhận được HĐBH số 2903178225 có giá trị hơn 50 triệu đồng. Tiếp đó, là HĐBH số 2902199115 có giá trị hơn 70 triệu đồng.

Cũng theo đơn trình của ông M., trong hai ngày 25.7 và 19.8.2022, nhân viên của Manulife gọi điện và yêu cầu đóng phí năm thứ 2 cho 2 hợp đồng nói trên, lúc này, ông mới nhận ra các hợp đồng đã ký trước đó không phải là để gửi tiết kiệm mà thực chất là HĐBH nhân thọ.

Sau khi kiểm tra lại nội dung HĐBH, ông M. phát hiện ra nhân viên ngân hàng đã "đánh tráo" khái niệm, tư vấn sai lệch về HĐBH nhân thọ. Trong 2 HĐBH, nhân viên đã tự ý ghi thu nhập hằng tháng của tôi lần lượt là 20 triệu đồng và 50 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hiện ông M. đang sống chủ yếu bằng lương hưu.

"Ngân hàng TMCP Sài Gòn là bên thứ 3 đã lừa dối tôi ký vào các hợp đồng bảo hiểm nói trên. Tôi đã liên hệ với Manulife và ngân hàng để đề nghị hủy các hợp đồng và hoàn trả lại toàn bộ số tiền cho tôi. Tuy nhiên, cả hai đều trốn tránh, không chịu phản hồi”, ông M. bức xúc.

Nhìn nhận về vụ việc, Luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng Luật sư Xuân Phú cho rằng, việc khách hàng đến phòng giao dịch, chi nhánh của ngân hàng thương mại để gửi tiền tiết kiệm, lại được nhân viên tư vấn thay đổi sang mua gói bảo hiểm là không phù hợp với quy định tại Điều 98 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi năm 2017.

Bên cạnh đó, nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng đến gửi tiết kiệm "chọn loại sản phẩm tiết kiệm với lãi suất cao hơn, kèm quyền lợi bảo hiểm" nhưng thực tế là nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm nhân thọ cho một công ty bảo hiểm là cần phải xem xét việc lừa dối khách hàng.

"Khi khách hàng khởi kiện nên đề nghị Tòa xem xét các vấn đề như tự kê khai thu nhập ảo, không yêu cầu người tham gia khám sức khỏe, một người trong thời gian ngắn lại ký nhiều HĐBH nhân thọ, cũng như việc khách hàng chỉ nghĩ bảo hiểm là sản phẩm đính kèm gói tiết kiệm lãi suất cao", luật sư Điền phân tích. 

Ngày 6.3, PV Báo Đại biểu Nhân dân liên hệ bộ phận truyền thông của Manulife, đại diện bộ phận này đề nghị gửi nội dung qua email, sau đó PV Báo Đại biểu Nhân dân đã gửi nội dung theo yêu cầu, tuy nhiên đến nay phía Manulife chưa có phản hồi.

* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các đơn vị liên quan trong vụ việc trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.

Quang Phương
#