Hỗ trợ các dự án BOT phát triển hạ tầng giao thông
Cùng với kiến nghị trên, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, theo Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình, cần tập trung đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh với các trung tâm lớn của cả nước, các trục giao thông kết nối ngang, kết nối với đường cao tốc. Hiện nay, các tỉnh Tây Bắc gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu kết nối với Thủ đô Hà Nội chỉ có một trục giao thông chính đó là Quốc lộ số 6 với cấp kỹ thuật chưa cao; các trục kết nối ngang giữa các tỉnh chưa được đầu tư. Do vậy, giai đoạn 2021 - 2030, Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình kiến nghị Trung ương bổ sung, bố trí vốn đầu tư triển khai đầu tư thêm tuyến cao tốc CT.03 (nối Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên), tuyến Quốc lộ 32D (nối Yên Bái - Sơn La - Hòa Bình) và đường Vành đai 5 đoạn qua tỉnh Hòa Bình để kết nối với thành phố Hà Nội.
Do đặc thù địa hình khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ chia cắt phức tạp, nên suất đầu tư và tổng nhu cầu vốn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông rất lớn. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện các dự án hạ tầng giao thông. Nhưng theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo loại hợp đồng BOT rất khó thực hiện, do phương án tài chính khả thi thấp, khó hoàn vốn, mặt khác nếu thực hiện thì Nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn phải trả phí giao thông quá cao. Do đó,Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình kiến nghị Trung ương cần có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các dự án BOT phát triển hạ tầng giao thông bằng số chênh lệch do suất đầu tư quá cao so với suất đầu tư bình quân chung của cả nước.
Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng
Đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, theo Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của liên kết vùng; xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; tập trung khai thác thế mạnh của từng địa phương để bổ trợ lẫn nhau cùng phát triển; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư; tiếp tục kiến nghị Trung ương có chính sách phù hợp, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư; khai thác lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng; thực hiện tốt công tác bảo tồn sinh thái, giữ gìn văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, an ninh biên giới, hướng tới sự phát triển bền vững cho cả vùng.
Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng; hạ tầng lưới điện quốc gia; các công trình dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục bố trí nguồn lực sớm hoàn thành việc sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai tới đời sống của Nhân dân.
Đối với các xã đã về đích nông thôn mới nằm trong khu vực trọng điểm về an ninh, quốc phòng, bao gồm cả khu vực CT229 được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo mức của các xã đặc biệt khó khăn; được ưu tiên phân bổ nguồn lực, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, tiếp cận tín dụng… Đồng thời, có cơ chế riêng về thu hút đầu tư trong nước vào các địa bàn không được thu hút đầu tư nước ngoài.