Hồi sinh và lan tỏa văn hóa Huế
Bài 2:
Tạo dựng thương hiệu “thành phố Festival”
Với những lễ hội văn hóa nghệ thuật đặc sắc, chất lượng, giàu tính nhân văn, Huế đã định danh trên bản đồ Festival Việt Nam và thế giới. Festival Huế trở thành điểm hẹn định kỳ cho các đoàn nghệ thuật của hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ ở cả 5 châu lục.
Từ cách năm đến quanh năm
Khởi nguồn từ Gặp gỡ Việt - Pháp (Rencontré Franco - Vietnamienne) tại Huế năm 1992, với sự hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ Pháp, Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức năm 2000, sau đó diễn ra định kỳ 2 năm một lần. Sau 24 năm, đến nay Festival Huế đã trở thành thương hiệu gắn với vùng đất cố đô, giới thiệu đến công chúng Huế và khách du lịch một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đa dạng, mang tính cộng đồng và có sức hấp dẫn, mới lạ.
Nhắc đến Huế là người ta nghĩ ngay đến Festival Huế. Festival Huế là dịp người dân trong nước cùng bạn bè quốc tế hẹn nhau về Huế hòa trong mối giao lưu, hữu nghị, hòa bình, cũng là dịp tôn vinh giá trị văn hóa Huế nói riêng và giá trị văn hóa Việt Nam nói chung.
Từ năm 2022, Thừa Thiên Huế định hướng tổ chức Festival Huế theo hướng bốn mùa với đầy đủ các lễ hội truyền thống từ cung đình, dân gian, tôn giáo, đến nghệ thuật đương đại hay thể thao, được dàn trải theo khung thời gian, phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho du khách và công chúng tham gia.
Festival Huế hàng năm mở đầu bằng Lễ hội sân khấu hóa tái hiện Lễ Ban Sóc triều Nguyễn ngày 1.1 và kết thúc bằng chương trình Countdown chào năm mới ngày 31.12. Điểm nhấn vẫn là Tuần lễ Festival được tổ chức theo mô hình cổ điển, kế thừa thành quả của 10 kỳ Festival Huế trong quá khứ, hiện có 2 kỳ Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế năm chẵn (2022 và 2024) tổ chức vào tháng 6 và 1 kỳ Tuần lễ Festival nghề truyền thống (2023) tổ chức dịp 30.4 - 1.5.
Việc tổ chức Festival Huế bốn mùa giúp khai thác tối ưu di sản lễ hội phong phú của địa phương với khoảng 500 lễ hội, từ đó, tạo ra những sản phẩm du lịch có sức hút. Đặc biệt, tỉnh cũng chú trọng cộng đồng hóa các sản phẩm của Festival Huế, để người dân thực sự là chủ thể của di sản, của lễ hội, đồng thời là đối tượng thụ hưởng, quyết định sự thành công của lễ hội. Các chương trình biểu diễn cộng đồng ngày càng phong phú về số lượng đoàn nghệ thuật, tiếp cận cả những đối tượng như bệnh nhân, đồng bào vùng sâu vùng xa, vốn hiếm hoặc chưa có cơ hội hưởng thụ nghệ thuật chất lượng cao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Festival Huế là Festival văn hóa nghệ thuật, là sản phẩm du lịch lễ hội mang tính đặc thù. Hoạt động của Festival có tầm quan trọng đối với kinh tế - xã hội địa phương. Thông qua đó phát huy giá trị của văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát triển các lễ hội; đồng thời tạo việc làm, mang lại thịnh vượng cho đời sống tinh thần và vật chất của người dân.
Giữ giá trị cốt lõi, làm mới cách thể hiện
Qua khảo sát, nghiên cứu, ngay từ đầu Thừa Thiên Huế đã lựa chọn mô hình Festival văn hóa - nghệ thuật tổng hợp cho Festival Huế. Đến nay, Huế đã định hình công nghệ tổ chức Festival với chương trình chất lượng cao (IN), tập trung vào một số không gian văn hóa đặc thù của cố đô (Đại nội, cung An Định và năm 2024 lần đầu tiên tổ chức tại Điện Kiến Trung), gắn với chương trình mang tính cộng đồng (OFF), chương trình hưởng ứng Festival đa dạng, trải rộng trên nhiều địa điểm của thành phố Huế và mở rộng về vùng nông thôn, hình thành được chuỗi tụ điểm vệ tinh của Festival Huế (như Chợ quê ngày hội Cầu Ngói - Thanh Toàn, Thuận An biển gọi, Hương xưa làng cổ Phước Tích, Lăng Cô huyền thoại, Sóng nước Tam Giang...), biến mỗi kỳ Festival Huế thành một đại tiệc văn hóa - nghệ thuật - du lịch độc đáo.
“Festival Huế - một lễ hội văn hóa, nghệ thuật quốc tế được khẳng định qua 24 năm với 11 kỳ tổ chức, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam và giao lưu văn hóa thế giới, quảng bá điểm đến Huế - kinh đô xưa, trải nghiệm mới, hấp dẫn nhà đầu tư và du khách”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Festival Huế không chỉ là cơ hội quảng bá các giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của triều Nguyễn mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, tạo điều kiện để di sản triều Nguyễn được bảo tồn và phát triển bền vững. Các hoạt động trong khuôn khổ Festival, từ những buổi diễn nghệ thuật cung đình, lễ hội dân gian, cho đến hoạt động trưng bày, triển lãm về nghệ thuật và di sản triều Nguyễn, đã tạo nên không gian để người dân và du khách cảm nhận được sự phong phú của văn hóa Huế.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và du khách quốc tế khi tham gia Festival đã mang đến những góc nhìn mới, tạo động lực để Huế không chỉ là thành phố di sản mà còn là một không gian văn hóa sáng tạo, nơi giao thoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại. PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, “điều này đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế du lịch thông qua khai thác giá trị văn hóa của triều Nguyễn”.
Trong nỗ lực phấn đấu trở thành thành phố Festival mang tầm quốc gia và quốc tế đặc trưng của Việt Nam, tinh thần của Festival Huế là giữ vững bản sắc, cốt cách, truyền thống của văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, nhưng phương thức thể hiện, công nghệ mới, hòa quyện truyền thống và hiện đại, ấn tượng và nhân văn, đưa người dân và du khách trở thành chủ thể sáng tạo lẫn chủ thể hưởng thụ.
Lực lượng chủ đạo trong các hoạt động của Festival Huế là nhân dân và đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ, người làm nghệ thuật của Thừa Thiên Huế; khuyến khích sự sáng tạo, thử nghiệm đổi mới trong khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử Huế; ứng dụng công nghệ và đổi mới cách thức chuyển tải các giá trị văn hóa cốt lõi theo hướng phù hợp hơn với giới trẻ và yêu cầu hội nhập, mở ra những cánh cửa mới để tiếp cận và trải nghiệm vẻ đẹp của di sản Huế…
Đến thời điểm này, hình ảnh Huế - Thành phố Festival của Việt Nam - ngày càng khá rõ nét. Tất nhiên, để trở thành thành phố Festival không chỉ dựa vào di sản của quá khứ mà còn phải nuôi dưỡng sức sáng tạo mới, tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng của một thành phố văn hóa - du lịch.