Thể hiện sự rõ ràng về môi trường đầu tư tại Việt Nam
- Theo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu vừa được Quốc hội thông qua, thì phạm vi áp dụng là những doanh nghiệp được OECD khuyến nghị, không áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về quyết đáp này?
- Các quy định về việc áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu của OECD, hay còn được gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nội dung thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu này đã đạt được sự thỏa thuận tham gia của 142 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nhiều nước đã nội luật hóa các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%.
Trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành để luật hóa các nội dung liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội sẽ giúp bảo đảm quyền đánh thuế của nước ta, phù hợp với thông lệ và xu thế thuế quốc tế đang được các nước triển khai; phù hợp với các định hướng và chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách thu và hội nhập quốc tế; thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1.1.2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.
Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng cũng cho thấy, các nhà đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh Nghị quyết này đều mong muốn nước ta sớm thông qua Nghị quyết để bảo đảm sự rõ ràng về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư khi xây dựng kế hoạch cho năm 2024.
- Các chuyên gia cho rằng, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại những tác động to lớn với kinh tế quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp. Có thách thức nào cần hóa giải và cơ hội nào cần tận dụng khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thưa ông?
- Thách thức lớn nhất, theo tôi, đó là sẽ giảm hiệu quả của các công cụ thuế trong thực thi chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài của nước ta. Nhưng ngay trong Nghị quyết này, Quốc hội cũng đã tính toán và quyết định sẽ chấp hành đúng khuyến nghị của OECD, theo đó, chỉ áp dụng thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với những doanh nghiệp đa quốc gia có quy mô doanh thu từ 750 triệu euro trong 2 năm của 4 năm tài chính liền kề. Những chính sách ưu đãi hiện hành sẽ vẫn được áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu. Như vậy, với việc lựa chọn phạm vi áp dụng của Nghị quyết này, chúng ta đã chủ động để giảm thiểu ở mức thấp nhất những tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.
Cùng với Nghị quyết này, trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Nói cách khác, thuế tối thiểu toàn cầu đã tạo áp lực và động lực để chúng ta hoàn thiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư. Do vậy, để có được những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cùng lúc đạt được 3 mục tiêu: Bảo đảm duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp, không vi phạm các cam kết chung về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, không quá tốn kém cho ngân sách, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.
Sáng kiến tốt để cải thiện môi trường đầu tư
- Tại Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội cũng đã đồng ý chủ trương giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác. Quyết định này của Quốc hội có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác là nhằm giữ ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích phát triển. Đây là một sáng kiến tuyệt vời, một bước đi hợp lý, thể hiện sự phản ứng linh hoạt của chúng ta trong việc thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu.
Cùng với việc thông qua Nghị quyết khẳng định Việt Nam sẽ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, quyết định của Quốc hội về thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư thể hiện trong Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Sáu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam và thúc đẩy đầu tư mới, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bởi lẽ, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, thì hầu hết biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (miễn thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15%) sẽ không còn giá trị với các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu chỉ thấy Việt Nam tăng thu mà không có các biện pháp hỗ trợ đầu tư khác thì sẽ làm giảm sức hút của môi trường đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên, việc sử dụng quỹ cũng sẽ cần được nghiên cứu để bảo đảm công bằng, minh bạch và phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.
Mặt khác, quyết định này của Quốc hội cũng tuân thủ đúng quy định trong Công ước của OECD. OECD đã quy định không được lấy tiền thu từ thuế tối thiểu toàn cầu để bồi hoàn cho doanh nghiệp bằng những biện pháp khác. Quy định rất chặt chẽ này được OECD đưa ra nhằm tránh các quốc gia thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu một cách hình thức và mang tính đối phó. Do vậy, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cùng lúc đạt được ba mục tiêu: bảo đảm duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp, không vi phạm các cam kết chung về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, và không quá tốn kém cho ngân sách.
- Tại Điều 7 của Nghị quyết quy định “giao Chính phủ, các Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình… khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm cho việc thực hiện Nghị quyết; chú trọng tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác đa phương về trao đổi thông tin tự động phục vụ việc thu thuế tối thiểu toàn cầu”. Lý lẽ của việc Quốc hội đưa ra yêu cầu này là gì và các cơ quan thực thi cần chú ý điều gì trong triển khai thực hiện Nghị quyết?
- Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp đối với cơ quan quản lý thuế khi thực hiện quản lý thu từ các cơ chế thuế khác nhau, trong đó cần chuyển hóa các Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD thành các quy trình quản lý thuế thực tiễn, thiết kế các thủ tục hành chính, biểu mẫu mới, điều chỉnh hệ thống công nghệ thông tin, phân tích tác động kinh tế, dự báo thu..., nhất là nhận diện những tập đoàn nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thay đổi hàng năm. Các nội dung này đòi hỏi sự phối hợp với tổ chức thuế quốc tế và cơ quan thuế các nước, triển khai các hoạt động hợp tác đa phương về trao đổi thông tin tự động phục vụ thu thuế tối tiểu toàn cầu cũng như từ góc độ tổ chức bộ máy, cơ chế thực hiện trong nước. Do vậy, Quốc hội đã đưa ra những yêu cầu nêu trên và đây cũng là việc cần được các cơ quan, đơn vị chú ý triển khai trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!