TS. Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế: Luật đã giải quyết tới 98% khó khăn, vướng mắc
Những chính sách mới của Luật Nhà ở (sửa đổi) 2023 về nhà ở xã hội đã thể hiện sự quan tâm lớn của Quốc hội với đối tượng thu nhập thấp.
Cụ thể, luật bỏ tiêu chí mua nhà ở xã hội phải có thường trú hoặc tạm trú trên một năm, như vậy người mua nhà có thể thở phào vì được tháo nút thắt cư trú. Hoặc, việc cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân là đúng và rất nhân văn, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Cũng vậy, việc chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phảidành 20% diện tích cho nhà ở xã hội sẽ bảo đảm khả năng tiếp cận cho người có thu nhập thấp và người lao động…
Có thể còn một vài điều cần xem xét thêm nhưng với xã hội và tình hình thị trường bất động sản hiện nay, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã góp phần tháo gỡ đến 98% khó khăn. Đây là bước tiến để giúp người dân có nơi an sinh tốt. Tiếp theo, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành luật và các bộ, ngành liên quan ban hành các thông tư liên quan để các chính sách tích cực này nhanh chóng được thực thi, tránh độ trễ thời gian quá lớn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế: Tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người dân
Luật Nhà ở (sửa đổi) rất tiến bộ, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, hướng đến bảo đảm nơi ở, chỗ ở cho mỗi công dân như Hiến pháp đã quy định. Điều này cũng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
Ví dụ, Luật quy định các cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp khi cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đặc biệt là doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, kể cả diện tích đất có tài sản công. Như vậy sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án cải tạo chung cư.
Với người dân, Luật không quy định “sở hữu nhà chung cư có thời hạn” mà chỉ quy định “thời hạn sử dụng nhà chung cư” là rất đúng với mong muốn của họ. Giải pháp quy gom để xây dựng lại một số nhà chung cư trên cùng địa bàn cấp xã, cấp huyện hoặc cấp huyện lân cận cũng đã được luật hóa - rất phù hợp với nguyện vọng của người dân muốn được tái định cư tại chỗ trên cùng địa bàn. Đồng thời, Luật mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội là học sinh, sinh viên các trường đại học; học sinh trường dân tộc nội trú công lập… Bên cạnh đó, Luật quy định UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.
Với những quy định mới tích cực như vậy, sắp tới nguồn cung nhà ở sẽ sớm được cải thiện, hiện thực hóa mong muốn an cư của người dân. Bây giờ điều quan trọng nhất là Luật phải sớm đi vào cuộc sống. Hoạt động quản lý, giám sát của Nhà nước, của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần được tăng cường để thị trường bất động sản nói chung, lĩnh vực nhà ở nói riêng phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội: Động lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp
Theo đánh giá của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi) tạo ra một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh và thống nhất trong việc phát triển nhà ở, giải quyết được nhiều khúc mắc hiện nay trong xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo và quản lý chung cư…
Đơn cử, thời gian qua, việc tranh chấp quỹ bảo trì chung cư trên cả nước, đặc biệt là ở các thành phố đã diễn ra khá phức tạp. Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có giải pháp cho vấn đề này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân. Theo đó, Luật yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản “riêng” để quản lý kinh phí bảo trì và không được sử dụng kinh phí bảo trì vào bất kỳ mục đích nào khác. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì thì Ban quản trị nhà chung cư đề nghị UBND cấp huyện nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao. Trong thời hạn 10 ngày chủ đầu tư không bàn giao, UBND huyện phải tiến hành cưỡng chế và thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư.
Bên cạnh đó, Luật cũng tháo gỡ vướng mắc, bất cập về chung cư mini, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp. Theo đó, cá nhân muốn xây chung cư mini để bán, cho thuê phải đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, về hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm theo thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, người mua nhà tại chung cư mini được cấp giấy chứng nhận, việc quản lý vận hành phải thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư…
Có thể nói, các chính sách, quy định tiến bộ của Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân. Từ đó, hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển nhà ở cho người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp và người nghèo.