Theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nghệ An, thành phần đoàn giám sát chuyên đề lưu ý mời đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực để bảo đảm tính chuyên sâu, chuyên nghiệp trong tư vấn nội dung giám sát cho đoàn. Trước khi xây dựng đề cương, bên cạnh nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật, tài liệu liên quan, cần tổ chức khảo sát, thu thập thông tin qua nhiều kênh khác nhau; tranh thủ tham vấn ý kiến các chuyên gia trên các lĩnh vực trong quá trình xây dựng đề cương để bảo đảm khung đề cương đạt chuẩn về nội dung, chính xác về các thuật ngữ chuyên ngành…
Mời đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm
Theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nghệ An, việc lựa chọn nội dung giám sát là bước đầu tiên, nhiệm vụ rất quan trọng. Trước hết, cần xác định vấn đề giám sát của HĐND bao trùm, tác động lớn, là những vấn đề bức xúc, nổi lên được nhiều cử tri và nhân dân, nhiều ngành, nhiều cấp quan tâm. Lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề trên cơ sở tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ của tỉnh, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua khảo sát nắm bắt thông tin và tham khảo ý kiến một số chuyên gia trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, phối hợp, chắt lọc, lắng nghe các ý kiến, phản ánh từ báo chí để lựa chọn nội dung giám sát phù hợp nhất.
Thành phần đoàn giám sát bảo đảm đầy đủ lực lượng nòng cốt; mời đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội để bảo đảm tính chuyên sâu, chuyên nghiệp trong tư vấn nội dung giám sát cho đoàn; mời đại diện đoàn ĐBQH tỉnh và đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia để cung cấp thêm nhiều thông tin về cơ chế, chính sách của Trung ương cũng như phản ánh được tiếng nói của công luận trong quá trình giám sát; mời Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại địa bàn được giám sát, đại diện Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện để đoàn giám sát có thêm nhiều thông tin từ phía cơ sở, đồng thời giúp các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và HĐND cấp huyện “kết hợp” giám sát, nắm được sâu hơn vấn đề qua giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh trên địa bàn...
Cùng với đó, lựa chọn cơ quan, đơn vị giám sát trực tiếp mang tính đại diện, bao quát đối với vấn đề cần giám sát, hoặc những chủ thể trực tiếp thụ hưởng, thực hiện chính sách. Đồng thời, cần lựa chọn nhiều cơ quan, đơn vị để giám sát qua báo cáo. Riêng đối với UBND cấp huyện, ngoài những nơi đoàn giám sát trực tiếp, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành, thị còn lại gửi báo cáo cho đoàn giám sát. Thường trực HĐND tỉnh cũng yêu cầu một số Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả cho đoàn giám sát. Qua đó, đoàn giám sát vừa có thể nhìn nhận vấn đề từ một cơ quan, đơn vị cụ thể, đồng thời đánh giá khái quát, tổng thể vấn đề đang giám sát trên diện rộng, nhất là những yếu kém, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, từ đó có những kiến nghị bám sát, đúng, phù hợp và khả thi cao.
Khảo sát, thu thập thông tin qua nhiều kênh
Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: trước khi xây dựng đề cương, bên cạnh nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật, tài liệu liên quan, cần tổ chức khảo sát, thu thập thông tin qua nhiều kênh khác nhau (như thành lập nhóm khảo sát thực tế để thu thập thông tin, trao đổi hoặc làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan và các đối tượng chịu tác động của cơ chế, chính sách liên quan đến nội dung giám sát...). Mặt khác, việc tranh thủ tham vấn ý kiến các chuyên gia trên các lĩnh vực trong quá trình xây dựng đề cương để bảo đảm khung đề cương đạt chuẩn về nội dung, chính xác về các thuật ngữ chuyên ngành rất quan trọng, nhất là đối với những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.
Về bố cục và nội dung, đề cương cần tập trung làm nổi bật được nội dung cốt lõi, trọng tâm, bảo đảm gọn, rõ vấn đề, xây dựng các phụ lục, mẫu biểu kèm theo để các cơ quan, đơn vị được giám sát dễ thống kê, báo cáo số liệu và thuận lợi trong quá trình tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát. Đối với một số nội dung cần tìm hiểu sâu và cụ thể hơn, có đề cương, biểu mẫu riêng cho mỗi cơ quan, đơn vị đặc thù.
Cũng theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nghệ An, trước khi triển khai giám sát, cần giao nhiệm cụ thể cho mỗi thành viên đoàn, nhất là các đại biểu chuyên trách, nghiên cứu sâu những nội dung cần trao đổi tại các phiên làm việc với cơ quan, đơn vị; thành lập các Tổ, nhóm khảo sát, nắm bắt kỹ lưỡng trước một số nội dung phục vụ hoạt động giám sát. Tại phiên làm việc, điều quan trọng là cần tạo ra không khí cởi mở để đối tượng được giám sát nắm bắt và trả lời đầy đủ, thẳng thắn các vấn đề đoàn giám sát quan tâm, đồng thời trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, bất cập để tìm giải pháp giải quyết vấn đề sau giám sát. Kết luận của Trưởng đoàn trong mỗi phiên làm việc tại các cơ quan, đơn vị giám sát cần cụ thể, đúng đối tượng, rõ vấn đề để thuận lợi cho việc tiếp thu, thực hiện. Cùng với đó, cần áp dụng công nghệ số và phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan truyền thông trong toàn bộ quá trình giám sát và thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát.