Khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại ba tỉnh duyên hải Nam Trung bộ gồm: Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định, Đoàn khảo sát của Ủy ban Đối ngoại nhận thấy, các địa phương cơ bản đạt những kết quả rất tích cực trong thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU. Song, để có thể thúc đẩy việc gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) với thủy sản Việt Nam, các địa phương cần thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ hơn nữa.
Nỗ lực lớn trong khắc phục “thẻ vàng” của EC
Làm việc với UBND các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định, Đoàn khảo sát của Ủy ban Đối ngoại ghi nhận, các địa phương đã rất nỗ lực thực hiện các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC, đặc biệt trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về quản lý khai thác IUU. Với Khánh Hòa, căn cứ các quy định của pháp luật, từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ngành, địa phương đã ban hành trên 438 văn bản chỉ đạo, điều hành.
Phú Yên đã ban hành các Chỉ thị của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU trên địa bàn. Cùng với đó là các kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU; Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU; Quyết định phê duyệt đề án thực thi Luật Thủy sản và triển khai các giải pháp cấp bách về chống khai thác IUU trên địa bàn. Chưa kể còn có các công văn về việc phối hợp tăng cường triển khai chủ trương, giải pháp phòng, chống tàu cá Việt Nam khai thác IUU và việc nghiên cứu một số chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định…
Ngoài ra, Phú Yên cũng ban hành nhiều văn bản, thông báo kết luận chỉ đạo điều hành khác về chống khai thác IUU. Để huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc trong thực hiện nhiệm vụ này, UBND tỉnh Phú Yên đang dự thảo văn bản tham mưu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét ban hành Chỉ thị chống khai thác IUU trên địa bàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên ban hành nhiều văn bản về ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Thể hiện tinh thần rất tích cực, trách nhiệm, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành 98 văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó có 1 Chỉ thị, 50 Quyết định, 27 văn bản chỉ đạo và tổ chức 20 cuộc họp để đánh giá, rút kinh nghiệm và có thông báo chỉ đạo cho các Sở, ngành và chính quyền địa phương triển khai các giải pháp cấp bách về khắc phục thẻ vàng của EC, tổ chức 14 đợt kiểm tra thực tế công tác triển khai thực hiện tại các địa phương ven biển.
Cùng với đó, cả ba tỉnh đều đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU; thành lập các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá trên địa bàn; ban hành quy trình xử lý thông tin tàu mất kết nối, tàu vi phạm vùng biển nước ngoài đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m, làm căn cứ triển khai và xử lý vi phạm. Đồng thời, công bố hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng trên địa bàn; thành lập lực lượng kiểm ngư tỉnh và kiện toàn tổ chức Chi cục Thủy sản; xây dựng Quy chế phối hợp giữa tỉnh với các địa phương trong công tác quản lý tàu cá, chống khai thác IUU...
Với nỗ lực lớn cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong thực hiện khắc phục “thẻ vàng” của EC, các địa phương đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý khai thác IUU, như cơ bản đều tích cực triển khai công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển. Đơn cử, với Bình Định, kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đạt hơn 98%.
Về công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, từ năm 2018 đến nay, Khánh Hòa đã thực hiện cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác với 721 giấy/ 26.758 tấn hải sản, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản cho 2.040 lô hàng/ 17.913 tấn hải sản (trong đó đi Liên minh châu Âu (EU) là 1.355 lô hàng, đi thị trường khác 685 lô hàng). Hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đã được lưu trữ đầy đủ, có hệ thống.
Trong xử lý vi phạm, văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá chỉ định của Phú Yên đã phối hợp xử lý 64 trường hợp thuyền trường/chủ tàu cá có dấu hiệu vi phạm, với tổng số tiền xử phạt hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng Biên phòng tỉnh cũng đã kiểm tra, xử phạt một số trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, góp phần chuyển biến tích cực công tác chống khai thác IUU.
Qua làm việc với UBND ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và thực tiễn khảo sát, Đoàn khảo sát nhận thấy, những tỉnh này phải đối mặt với một số khó khăn chung trong thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU. Đó là còn một số tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Hiện, Khánh Hòa chỉ có một cảng cá Hòn Rớ được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu khi mua các sản phẩm thủy sản từ các tàu cá tại các cảng còn lại trong tỉnh. Tỷ lệ sản lượng khai thác được kiểm soát qua các cảng, mặc dù khá cao so với các tỉnh, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu chống khai thác IUU của EC. Một số tàu cá thường xuyên hoạt động tại địa phận các tỉnh khác, nên việc quản lý các tàu này gặp khó khăn…
Đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc quản lý khai thác IUU, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), thành viên Đoàn khảo sát, nêu rõ, việc ban hành chính sách, pháp luật về công tác chống khai thác IUU từ Trung ương đến địa phương đã kịp thời, đầy đủ, phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội. Khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực. Về cơ bản, Luật Thủy sản đã được "chuyển hóa" thành các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, các địa phương cần triển khai thực hiện tốt hơn nữa các quy định của Luật Thủy sản và các luật có liên quan.
Quản lý, kiểm soát tốt hơn các hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng V, Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Phú Quốc, thành viên Đoàn khảo sát nêu rõ, Luật Thủy sản đã quy định rất cụ thể 14 hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, phù hợp với yêu cầu của EC về chống khai thác IUU. Luật cũng quy định rất cụ thể, chi tiết quy trình, thủ tục quản lý, xử phạt đối với 14 hành vi này. Trên cơ sở các quy định của luật và văn bản dưới luật, các địa phương cần triển khai nghiêm túc các quy định của Luật Thủy sản nhằm quản lý, kiểm soát tốt hơn các hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các Nghị định 42/2019/NĐ-CP và Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung thẩm quyền xử phạt hành chính đối với Chi cục Kiểm ngư vùng và Chi cục Kiểm ngư địa phương. Ngày 10.3.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Mục tiêu của Quyết định này là chuyển đổi nghề cho ngư dân nhằm giảm khai thác trên biển và tăng cường nuôi biển để bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Tại Quyết định này, đã giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 6 nhiệm vụ chính, trong đó có xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề từ các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường và hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường gắn với hiện đại hóa tàu cá hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác phù hợp với định hướng phát triển nghề cá và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, các địa phương cũng cần rà soát, bổ sung trong báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ này.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí nêu thực tế, việc vẫn còn tình trạng một số tàu cá tái phạm các quy định về chống khai thác IUU chủ yếu là do vấn đề mưu sinh. Vì thế, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động cho ngư dân, nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng ý thức, văn hóa đánh bắt thủy sản có trách nhiệm, rất cần “bàn tay” của Nhà nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân, hướng tới phát triển nghề cá bền vững và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo tồn môi trường biển. Phó Trưởng đoàn Lê Hữu Trí cũng đề nghị, Quốc hội cần nghiên cứu, ban hành một nghị quyết có tầm nhìn xa và đủ mạnh về nguồn lực, tài chính về phát triển kinh tế biển và bảo tồn biển. Trong đó, có cơ chế, chính sách để xây dựng nghiệp đoàn nghề cá vững mạnh và các chính sách bảo vệ vùng biển của Việt Nam.
Trong gần 5 năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã rất nỗ lực và quyết tâm lớn trong thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục “thẻ vàng” của EC đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề này và luôn đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Khẳng định điều này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến - Trưởng đoàn khảo sát, cho biết, dự kiến, trong tháng 8 tới, Ủy ban Đối ngoại sẽ lần đầu tiên tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách, pháp luật về chống khai thác IUU. Phiên giải trình sẽ có sự tham dự của Đại sứ EU và Đại sứ một số quốc gia khác tại Việt Nam, nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ: “Việt Nam đã và đang cố gắng, nỗ lực, quyết tâm khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU. Chúng tôi mong muốn và cam kết tuân thủ những tiêu chuẩn, giá trị chung của thế giới trong khai thác thủy sản; đồng thời, bảo vệ sự công bằng một cách hợp lý giữa những người đánh cá với nhau, giữa những nhà sản xuất trong lĩnh vực thủy sản với nhau và bảo đảm kế sinh nhai cho người dân”.