Trong cuộc trò chuyện, ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có những tiết lộ bất ngờ về chuyện nghề của một bác sĩ sản khoa là nam giới, cũng như những trăn trở về sứ mệnh chăm sóc sức khỏe “một nửa thế giới” của mình.
Tạo được sự tin tưởng cho chính bệnh nhân
-Là một bác sĩ nam nhưng lại làm chuyên ngành phụ sản, chắc hẳn anh đã không ít lần gặp phải sự ngại ngùng từ chính các bệnh nhân của mình trong quá trình khám, chữa bệnh. Anh có bí quyết nào để phá bỏ “bức tường” này?
ThS.BS Phan Chí Thành: Nhiều chị em chia sẻ rằng, chỉ cần nằm lên bàn khám phụ khoa, ngay cả khi bác sĩ là nữ cũng đã rất căng thẳng, người co cứng lại. Kết quả là họ phải trải qua quá trình khám đau đớn, thậm chí có người còn không thể khám được do không đặt được dụng cụ.
Thú thật, không riêng gì chị em bệnh nhân, ngay chính tôi khi mới vào nghề cũng có sự ngại ngùng nhất định, rào cản đến từ cả 2 phía.
Tôi vẫn còn nhớ lời dạy của các “bậc thầy” trong thời gian đầu làm bác sĩ phụ sản: Bệnh nhân bị đau không phải do dụng cụ to, mà chính vì sự căng thẳng trong lúc khám.
Do đó, chúng tôi biết rằng, điều quan trọng nhất khi khám phụ khoa chính là tạo được sự tin tưởng cho chính bệnh nhân.
Trước khi khám, bao giờ chúng tôi cũng trấn an và đó cũng là một lời cam đoan với bệnh nhân: Khám phụ khoa không hề đau đớn. Khi chị em đã yên tâm và dần thả lỏng người ra thì việc thăm khám sẽ vô cùng suôn sẻ và không có một cơn đau nào cả.
Cũng có thể nói, sự tin tưởng của bệnh nhân chính là cách phá bỏ rào cản hiệu quả nhất.
Đây cũng là một thông điệp mà tôi muốn nhắn gửi đến chị em phụ nữ đi khám phụ khoa lần đầu hoặc chưa từng đi khám: Hãy cứ an tâm và tin tưởng bác sĩ, đừng vì những thông tin thất thiệt dẫn đến lo lắng không đáng có.
-Gần 15 năm thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe chị em phụ nữ đã giúp anh khám phá được những điều đặc biệt gì về "nửa còn lại của thế giới"?
ThS.BS Phan Chí Thành: Phụ nữ mang thai phải trải qua 9 tháng 10 ngày vất vả và rồi đến cuộc đẻ vô cùng đau đớn. Do đó, trong chính tạo hóa phụ nữ đã có sự thiệt thòi, vất vả hơn đàn ông.
Ngoài ra, trong văn hóa Á Đông cũng luôn có sự gò bó, cứng nhắc với chị em. Điều này cũng tạo ra một áp lực vô hình trong cuộc sống.
Điển hình như ở những cặp vợ chồng hiếm muộn. 50% phụ nữ hiếm muộn phải sống chung với những stress nặng nề, tự ti và mặc cảm. Nếu nguyên nhân hiếm muộn đến từ người vợ, họ có thể chịu sự định kiến lớn từ chính gia đình chồng và xã hội.
Thực sự khi chúng ta càng chăm sóc phụ nữ, càng đồng hành với họ ở những thời điểm quan trọng thì lại càng thấy thương và thấu hiểu cho chị em hơn.
Có một điểm ở “nửa kia thế giới” mà theo tôi vừa đặc biệt, vừa thiêng liêng. Ở trong cơn đau lớn nhất của người phụ nữ, lại cũng chính là thời điểm đón niềm hạnh phúc vỡ òa: Đó chính là hành trình vượt cạn.
Càng kỳ lạ hơn, người ta không thể phân biệt được gương mặt của người phụ nữ ở 2 thái cực này: Lúc đau đẻ cực kỳ dữ dội và khi bế con trên tay hạnh phúc tột cùng.
Quan tâm và đồng hành cùng chị em là điều cực kỳ quan trọng
-Chuyện đi đẻ của vợ bác sĩ phụ sản có lẽ sẽ rất đặc biệt?
ThS.BS Phan Chí Thành: Khác với suy nghĩ của nhiều người, dù đã đỡ đẻ cho hàng ngàn sản phụ nhưng đến khi chính vợ mình vượt cạn, tôi lại về đúng vai trò một người chồng của sản phụ thay vì một bác sĩ phụ sản. Thực sự khoảnh khắc đó, tôi cũng hồi hộp và căng thẳng y như những ông chồng khác.
Tất cả niềm tin cho hành trình vượt cạn được đặt lên vai của chính những người đồng nghiệp thân tình của mình.
Thực sự càng làm trong ngành phụ sản, tôi càng hạnh phúc và cảm thấy may mắn khi vợ chồng chúng tôi đón những người con khỏe mạnh chào đời.
- Trên vai trò là một bác sĩ phụ sản, anh còn trăn trở nào về lĩnh vực của mình?
ThS.BS Phan Chí Thành: Trước đây, chúng ta thường chỉ quan tâm chăm sóc các vấn đề về bệnh lý, tức là phần mang tính sống còn nhưng còn về chất lượng cuộc sống của chị em phụ nữ thì vẫn còn rất nhiều thiệt thòi.
Điển hình là phụ nữ khi mang thai. Đây vốn dĩ là một việc rất thiêng liêng và hạnh phúc với người phụ nữ, nhưng chỉ cần một điều nhỏ xảy ra với con, sản phụ có thể sụp đổ hoàn toàn.
Do đó, trong quá trình mang thai, chị em cực kỳ căng thẳng. Nó không chỉ một sớm một chiều mà kéo dài 9 tháng 10 ngày. Phải đến khi bế con khỏe mạnh trên tay, chị em mới nhẹ bẫng đi. Còn trước lúc đó, kể cả bác sĩ khám thai có bảo mẹ yên tâm thì trong tâm lý chị em vẫn còn rất nhiều điều lo lắng.
Do đó, việc quan tâm và đồng hành cùng chị em là điều cực kỳ quan trọng.
Bên cạnh đó, khi phụ nữ tìm đến bác sĩ phụ sản, đôi lúc không chỉ là khám thai, bệnh phụ khoa mà còn có rất nhiều nỗi niềm thầm kín. Ví dụ như vấn đề đời sống tình dục, vốn là vấn đề khó nói nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của phụ nữ.
Do đó, với một bác sĩ phụ sản, làm thế nào để chăm sóc sức khỏe chị em toàn diện hơn có lẽ chính là trăn trở và cũng là mục tiêu lớn nhất.
-Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!