Nguồn: Factsnotfantasy.blogspot.com |
“Đó là một quả bom hẹn giờ”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Valls cho biết. Tất nhiên, không có Chính phủ nào ngồi im chờ bom nổ. Liên minh châu Âu, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu phối hợp để thu thập thông tin về những công dân châu Âu tới Syria bằng cách đi qua Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một vài trường hợp, chính quyền Ankara còn trả họ về nước. Còn trong nội bộ mỗi nước châu Âu, các chính quyền có phản ứng khác nhau. Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cho biết sẽ giám sát chặt những người trở về từ Syria. Hà Lan thì coi đây là một trong những mối đe dọa hàng đầu tới an ninh. Từ tháng 7, Cơ quan Điều phối quốc gia về an ninh và chống khủng bố của nước này đã xếp mức đe dọa của nguy cơ này là “thực tế”, có nghĩa là khả năng xảy ra một vụ tấn công là có thật. Cơ quan này cũng thừa nhận, mặc dù không phải ai trở về từ vùng chiến tranh cũng là mối đe dọa, nhưng họ đã từng sống trong bầu không khí cực đoan, họ đã có thương tích và có thể sẵn sàng sử dụng bạo lực. Còn tại Bỉ, cơ quan cảnh sát đã thiết lập cơ sở dữ liệu chung giữa các đơn vị an ninh địa phương và trung ương để tiện theo dõi các phần tử khả nghi, đồng thời triển khai các biện pháp ngăn chặn mang tính chủ động. Hồi tháng 4, chỉ trong vòng một ngày, lực lượng an ninh nước này đã tiến hành 48 cuộc vây bắt các tổ chức bị nghi ngờ tuyển mộ công dân Bỉ tới Syria.
Các quan chức châu Âu và giới phân tích đều có chung nhận định rằng làn sóng thanh niên tới tham chiến ở Syria lớn và phức tạp hơn nhiều điều tương tự đã xảy ra với Afghanistan, Yemen, Somalia, hay Iraq. Nội bộ lực lượng nổi dậy ở Syria rất phức tạp. Ngày càng có nhiều cá nhân và nhóm vũ trang có liên hệ với những nhóm có quan điểm bài phương Tây như Al Qaeda. Syria lại rất gần châu Âu về mặt địa lý. Công dân châu Âu muốn tới Syria bằng đường bộ chỉ cần đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, mà để tới quốc gia này thì nhiều người thậm chí không cần đến thị thực nhập cảnh. Người nước ngoài cũng không cần có mối liên hệ trước nào với các nhóm vũ trang để tới chiến đấu ở Syria.
Những chiến binh nước ngoài này có xuất thân khác nhau. Ở Ireland, các giáo sỹ Hồi giáo so sánh họ với những thanh niên châu Âu từng tham gia cuộc chiến chống phát xít ở Tây Ban Nha trong những năm 1930. Còn theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Valls, những thanh niên Pháp tới Syria là những người “cảm thấy bị gạt ra ngoài lề”, nung nấu bất mãn với xã hội. Hầu hết bọn họ từng có tiền án.
Ông Vallls cho biết, đến thời điểm này, chưa có bất cứ quy định nào cấm công dân Pháp tới Syria, hoặc cấm những người từng tham chiến ở Syria nhập cảnh vào Pháp. Tuy nhiên, quốc gia này đang xem xét việc hình sự hóa hành vi có liên hệ với các tổ chức như Al Qaeda hay Mặt trận Al Nusra. Tham gia cuộc chiến không phải là tội, nhưng tham gia tổ chức khủng bố thì có.
Một số thủ lĩnh Hồi giáo châu Âu chỉ trích các Chính phủ châu Âu đã phản ứng quá mức khi đánh đồng tất cả là những kẻ cực đoan chống phương Tây. Theo giáo sỹ Ali Selim thuộc Trung tâm Văn hóa hồi giáo ở Ireland, đó đều là những thanh niên có lý tưởng, chiến đấu vì niềm tin vào công lý, bất chấp nguy hiểm cận kề. Ông Selim cho rằng phản ứng của chính quyền châu Âu xuất phát từ định kiến đối với người Hồi giáo. Bên cạnh đó, ông Selim cho biết thực tế không hề có giáo đoàn Ireland nào ủng hộ chứ đừng nói là khuyến khích thanh niên tới Syria, đặc biệt sau cái chết của 4 thanh niên Ireland ở Syria.
Chuyên gia Shiraz Maher thuộc Trung tâm nghiên cứu Các phong trào cực đoan ở Đại học King (Anh) đồng ý với quan điểm của ông Selim. Bên cạnh đó, nguy cơ từ các chiến binh từng chiến đấu ở Syria không trực tiếp như nghi phạm trong vụ đánh bom ở Boston. Hiện mục tiêu của lực lượng nổi dậy vẫn là lật đổ chính quyền Syria, do đó, phương Tây vẫn là một chỗ dựa. Tuy nhiên, khi mục tiêu trên đạt được, cộng đồng Hồi giáo nói chung và các tổ chức cực đoan nói riêng sẽ nhớ lại thái độ thiếu dứt khoát của phương Tây trong suốt cuộc chiến. Nguy cơ thời hậu chiến sẽ được nuôi dưỡng từ từ, kết quả cuối cùng có thể là mạng lưới những kẻ cực đoan trên khắp châu Âu lục địa.
Ông Maher cùng một đồng sự đã tiến hành một báo cáo đánh giá tình hình các chiến binh nước ngoài tại Syria. Trong suốt một năm, các ông theo dõi, ghi chép về các chuyến bay tới Syria, các tuyên bố trên các website Hồi giáo và hàng trăm mẩu tin có liên quan. Theo báo cáo này, hiện có khoảng 1.000 chiến binh đến từ 14 nước châu Âu, đại diện cho khoảng 10% số chiến binh nước ngoài trong hàng ngũ lực lượng nổi dậy. Báo cáo chỉ ra rằng, do tính chất khác biệt của cuộc chiến Syria với các cuộc chiến cách đây 10-15 năm ở Afghanistan, Pakistan, Somalia hay Yemen, không có căn cứ nào để đánh giá chính xác nguy cơ đến từ những người từng chiến đấu tại đây.