Lịch nghỉ lễ 30.4-1.5 của học sinh trên cả nước
Việc nghỉ lễ, Tết của học sinh giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, được Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.
Chiếu theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, lịch nghỉ lễ 30.4-1.5, học sinh được nghỉ 5 ngày liên tục (từ 30.4 - 4.5).

Bộ GD-ĐT đề xuất bổ sung 8.200 tỷ đồng để miễn học phí từ mầm non đến lớp 12
Bộ GD-ĐT vừa gửi Bộ Tư pháp Hồ sơ thẩm định Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn học phí giáo dục từ cấp mầm non đến giáo dục phổ thông.
Theo tờ trình của của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2023-2024 cả nước có 23,2 triệu học sinh. Số học sinh chia theo cấp học: 4,8 triệu trẻ em mầm non; 8,8 triệu học sinh tiểu học, 6,5 triệu học sinh THCS và khoảng 2,99 triệu học sinh THPT.
Căn cứ trên mức học phí tối thiểu cho thấy, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là khoảng 30.000 tỷ đồng. Tổng ngân sách Nhà nước đã thực hiện miễn học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS năm học 2025-2026 là 22.500 tỷ đồng.
Bộ GD-ĐT cho biết, ngân sách Nhà nước sẽ tăng thêm khi thực hiện miễn học phí từ mầm non đến lớp 12 là khoảng 8.200 tỷ đồng.

Theo Bộ GD-ĐT, ngân sách Nhà nước tăng thêm 8.200 tỷ đồng khi thực hiện miễn học phí từ mầm non đến lớp 12. Ảnh: Quốc Việt
Đề xuất chi 91.000 tỷ đồng để huy động trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi đến trường
Bộ GD-ĐT đang đề xuất phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi trên toàn quốc. Mục tiêu là đến năm 2030, 100% các tỉnh, thành phố đạt chuẩn mức độ 1 về phổ cập giáo dục mầm non, và đến năm 2035 đạt chuẩn mức độ 2.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề xuất chi 91.000 tỷ đồng trong 10 năm để huy động trẻ 3-5 tuổi đến trường. Đề xuất này bao gồm các chính sách hỗ trợ trẻ em mẫu giáo, như nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa, trợ cấp học tập cho trẻ vùng khó khăn, trợ cấp 12 tháng lương cơ sở để thu hút giáo viên.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, và thiết bị dạy học để đảm bảo điều kiện thực hiện phổ cập.

Bộ GD-ĐT đề xuất chi 91.000 tỷ đồng trong 10 năm để huy động trẻ 3-5 tuổi đến trường
Chuyển giao cấp xã quản lý trường THCS, tiểu học và mầm non
Bộ GD-ĐT vừa có công văn về bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường THCS, tiểu học và mầm non.

Bộ GD-ĐT giao chính quyền cấp xã thực hiện quản lý giáo dục các trường THCS, tiểu học và mầm non (Ảnh: Quốc Việt)
Việc này được thực hiện theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28.3 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bộ GD-ĐT đề nghị UBND cấp tỉnh xác định các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục mà cấp huyện đang thực hiện để chuyển về Sở GD-ĐT hay UBND cấp xã.
Hơn 30% bài thi khảo sát lớp 12 của Hà Nội dưới điểm trung bình
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố kết quả kiểm tra khảo sát chất lượng lớp 11 và 12 toàn thành phố. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, số bài thi đạt điểm 10 rất ít, chỉ có 389 bài (0,08%). Có 35.914 bài thi đạt điểm trên 8 (7,73%). Phần lớn bài thi đạt từ 4 đến dưới 8 (399.112 bài, 85,91%), phản ánh mức độ đề kiểm tra phù hợp.
Số điểm trung bình lớn nhất nằm trong khoảng 6-7 điểm với 105.903 thí sinh (22,08%). Cao thứ hai là mức 5-6 điểm với 97.848 thí sinh (21,06%). Số điểm từ 5 đến 7 đạt 385.461 bài (54,78%). Tỷ lệ bài thi có điểm dưới trung bình (dưới 5) ở mức cao là 148.003 (31,86%), trong đó có hơn 31.000 bài dưới 3 điểm và gần 5.000 bài từ 1 điểm trở xuống.

(Ảnh: Quốc Việt)
Theo kết quả được công bố, Toán là môn thi có điểm dưới trung bình cao nhất với 51,69%. Tiếp đó là môn Địa lý (51,42%), Sinh học (50,41%). Tỷ lệ điểm dưới trung bình ở môn Tiếng Anh là 31,32%.
Đánh giá chung về kết quả kiểm tra khảo sát chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng phổ điểm cho thấy kỳ khảo sát phân hóa rõ, đặc biệt ở nhóm 3-9 điểm, phản ánh rõ mức độ học sinh khá giỏi, trung bình, yếu. Tuy vậy, vẫn còn bộ phận lớn học sinh yếu cần được hỗ trợ.