Từ phong trào "Bình dân học vụ" đến "Bình dân học vụ số"
80 năm trước, khi đất nước vừa giành được độc lập, có tới hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết, “giặc dốt” trở thành một trong ba thứ giặc nguy hiểm (cùng với giặc đói và giặc ngoại xâm). Do đó, phong trào “Bình dân học vụ” ra đời với mục tiêu cấp bách là xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho Nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Do đó, việc nâng cao dân trí là nền tảng vững chắc để xây dựng một quốc gia độc lập, hùng cường. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

"Bình dân học vụ số" để làm chủ công nghệ, góp phần xây dựng một xã hội số văn minh
Có thể nói, phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động là một biểu tượng của lòng quyết tâm, ý chí, tinh thần đoàn kết giúp người dân thoát khỏi bóng tối mù chữ, tiếp cận tri thức.
Đến nay, khi đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, đó là phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, để mỗi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số, trở thành công dân số, thì phong trào này vẫn còn nguyên giá trị khi được phát triển lên một tầm cao mới với tên gọi "Bình dân học vụ số". Đây là phong trào có ý nghĩa vô cùng to lớn và nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển đất nước, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số thông minh, văn minh và nhân văn; phát huy truyền thống hiếu học, ham học hỏi, tinh thần học tập suốt đời của dân tộc Việt Nam.
"Đây không chỉ là một sáng kiến giáo dục, phong trào "Bình dân học vụ số" còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu về tri thức, mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập và phát triển. Bởi, "tri thức là chìa khóa, công nghệ là cánh cửa để mở ra một tương lai tươi sáng hơn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào trên cả nước
Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Văn Long cho biết, với vai trò là Cơ quan Thường trực của Đề án số 06, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành "Bình dân học vụ số" - nền tảng đào tạo tập huấn quốc gia do Bộ Công an và Đại học Bách khoa triển khai quản lý và vận hành.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp hình lưu niệm cùng thầy và trò trường Đại học Bách Khoa nhân sự kiện Phát động phong trào "Bình dân học vụ số"
Đến nay, chương trình bước đầu đã ghi nhận những kết quả quan trọng cho việc phổ cập tri thức số, hỗ trợ học viên học online trên nền tảng internet rộng khắp trong toàn dân, cụ thể: Đã thực hiện đào tạo cho hơn 200.000 học viên (công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang…) tại 50 địa phương với 2 chuyên đề về Chuyển đổi số và An toàn không gian số. Phối hợp Bộ Nội vụ tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức trên toàn quốc với gần 20.000 người học trên khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Chia sẻ cụ thể về nền tảng "Bình dân học vụ số", Trung tướng Nguyễn Văn Long cho biết: nền tảng được thiết kế trên cơ sở ứng dụng các chuẩn công nghệ tiên tiến hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến, bảo đảm khả năng mở rộng linh hoạt và đáp ứng quy mô lớn phục vụ người học. Người học có thể truy nhập nhanh, dễ dàng, từ bất cứ địa điểm nào có kết nối internet, trên các thiết bị thông dụng, cung cấp khả năng tương tác giữa người dạy và người học theo nhiều hình thức, tự học theo bài giảng video, học có giám sát cả trực tiếp bởi con người hoặc qua trí tuệ nhân tạo (AI)…
Việc kết nối với nền tảng định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an cho phép hệ thống có thể định danh người học thông qua tài khoản VNeID, qua đó theo dõi chi tiết quá trình học của từng học viên, đánh giá, giám sát và báo cáo tiến độ học tập của học viên bằng công nghệ AI nhận dạng khuôn mặt, đảm bảo tính nghiêm túc trong học tập và thi cử.

Thanh niên là lực lượng xung kích trong phong trào "Bình dân học vụ số"
Với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, phong trào “Bình dân học vụ số” trong thời gian tới sẽ được triển khai sâu rộng, mạnh mẽ trong toàn Đoàn với trọng tâm là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, tăng cường giáo dục định hướng tạo khí thế mới trong thanh niên, thiếu nhi về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy
"Với các tính năng ưu việt nêu trên, nền tảng "Bình dân học vụ số" đã sẵn sàng đưa vào khai thác, vận hành trên toàn quốc từ ngày 1.4.2025, phấn đấu trong năm đầu tiên triển khai sẽ giúp giảm tới 80% chi phí đào tạo, tập huấn so với phương thức truyền thống, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm nguồn lực xã hội và đẩy mạnh phổ cập tri thức số cho toàn dân.
Tuy nhiên, để bảo đảm việc triển khai thành công nền tảng “Bình dân học vụ số” trên phạm vi toàn quốc, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cần phát động thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”; phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và lợi ích thiết thực của việc học tập chuyển đổi số. Qua đó, từng bước hình thành phong trào học tập tự nguyện, rộng khắp, hướng đến xây dựng xã hội học tập và công dân số...