Trong công văn số 1581/BGD&ĐT-GDPT, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện rà soát, xác định các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục hiện nay cấp huyện đang thực hiện để điều chỉnh chuyển về cấp tỉnh (Sở GD-ĐT) hay UBND xã quản lý; thực hiện các hoạt động hành chính liên quan đến giáo dục hoạt động bình thường, thông suốt, liên tục không gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Chính quyền xã quản lý giáo dục đối với các trường THCS, tiểu học, mầm non
Tại công văn, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các địa phương giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục, đồng thời chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường mầm non, tiểu học và THCS.
Đây là bước triển khai thực hiện theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28.3.2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản hướng dẫn việc chuyển giao nội dung quản lý nhà nước về giáo dục — hiện do cấp huyện đảm nhiệm — cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp xã khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại chính quyền địa phương hai cấp.
Việc chuyển giao này cần bảo đảm hoạt động hành chính liên quan đến lĩnh vực giáo dục diễn ra bình thường, thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn, không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp và xã hội.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND cấp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Đồng thời, cần thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những khó khăn, vướng mắc hoặc sai phạm (nếu có).
Sở GD-ĐT thực hiện việc sắp xếp, điều động, biệt phái nhà giáo
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương trong quá trình sắp xếp, chuyển giao công tác quản lý cấp huyện về Sở GD-ĐT hoặc về xã, việc chuyển giao cần bảo đảm các hoạt động hành chính liên quan đến giáo dục diễn ra bình thường, thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn, không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp và xã hội.
Các nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục phải được giao cho cơ quan chuyên môn có đủ năng lực, nhằm bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quyết định vị trí việc làm, định mức tài chính, giao biên chế và phân bổ ngân sách cho ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Việc phân cấp cần được thực hiện theo hướng mạnh mẽ nhưng không buông lỏng quản lý; bảo đảm không bỏ sót, không chia cắt hoặc gián đoạn các nội dung quản lý chuyên môn và điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, việc quản lý nhà nước đối với các nội dung chuyên môn, công tác tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái và phát triển đội ngũ nhà giáo cần được giao cho cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Sở GD-ĐT) thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh. Điều này nhằm bảo đảm sự điều tiết chung, xử lý kịp thời tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ giữa các địa phương.
Trước đó, ngày 7.4, Chính phủ có Nghị quyết số 74/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Chính phủ giao Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.