Trường Đại học Tôn Đức Thắng xếp vị trí 193, là cơ sở giáo dục đại học có thứ hạng cao nhất Việt Nam ở bảng xếp hạng này.
Xếp các vị trí tiếp theo lần lượt là Trường Đại học Duy Tân (nhóm 251 - 300), Đại học Bách khoa Hà Nội (nhóm 501 - 600), Đại học Quốc gia Hà Nội (nhóm 501 - 600), Đại học Huế (nhóm 601+), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (nhóm 601+).
Xét chung khu vực châu Á, dẫn đầu bảng xếp hạng là 2 đại học của Trung Quốc: Đại học Thanh Hoa giữ vị trí số 1, Đại học Bắc Kinh giữ vị trí số 2. Trong top 10, Trung Quốc có nhiều trường đại học lọt top nhất.
Các vị trí còn lại trong top 10 lần lượt là: Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Hồng Kông, Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc), Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), Đại học Chiết Giang (Trung Quốc), Đại học Trung Quốc Hồng Kông.
Bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2024 bao gồm 739 trường đại học. Với 119 trường, Nhật Bản vẫn là quốc gia có nhiều đại diện nhất trong năm nay. Ấn Độ xếp sau đó với 91 trường.
Kết quả xếp hạng được THE dựa trên 18 chỉ số tương tự như bảng xếp hạng đại học thế giới của THE, nhưng có sự điều chỉnh phù hợp với đặc điểm của các trường châu Á.
5 nhóm tiêu chí bao gồm: Giảng dạy (môi trường học tập); Môi trường nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng); Chất lượng nghiên cứu (tác động trích dẫn, sức mạnh nghiên cứu, sự xuất sắc trong nghiên cứu và ảnh hưởng của nghiên cứu); Triển vọng quốc tế (nhân viên, sinh viên và nghiên cứu) và Chuyển giao (thu nhập và bằng sáng chế).