Vì sao phải xếp hạng đại học?

- Thứ Sáu, 12/04/2024, 10:15 - Chia sẻ

“Tôi phản đối và không ủng hộ việc a dua, khai man và bằng mọi cách để "mua" xếp hạng. Nhưng nếu không xếp hạng, không theo luật chơi của quốc tế, vào sân chơi của thế giới, giáo dục sẽ khó hội nhập, thậm chí mất phương hướng, vì không có đối sánh sẽ không biết mình đang ở đâu, đang đi đâu, về đâu”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm.

Xếp hạng đại học mang lại lợi ích cho cả nhà trường, người học và xã hội

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, xếp hạng đại học là một sân chơi giúp các trường có khả năng đối sánh với các trường khác ở quốc tế, biết mình mạnh gì, yếu gì, đang ở đâu so với các trường đại học khác trong khu vực và trên thế giới để cải tiến chất lượng, nâng cao vị thế. Vì vậy, chúng ta rất nên tham dự cuộc chơi này vì nó mang lại lợi ích cho tất cả: nhà trường, người học và xã hội.

Mặt khác, xếp hạng đại học còn là thực hiện Luật. Luật Giáo dục đại học có Điều 9 về xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, và ghi rõ: Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học nhằm đánh giá uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động theo tiêu chí nhất định, đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan. Cơ sở giáo dục đại học chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế.

“Như vậy, lợi ích của việc xếp hạng đại học đã rõ. Các trường đại học Việt Nam phải lựa chọn để tham gia các bảng xếp hạng đại học là hết sức cần thiết để hội nhập quốc tế và để thực hiện Luật Giáo dục đại học”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm.

Cũng theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, công bố quốc tế là một chỉ số rất quan trọng trong tất cả các bảng xếp hạng. Bởi đại học là nơi sáng tạo trí thức, đỉnh cao của trí thức. Các nghiên cứu, công bố kết quả đỉnh cao là chỉ số được đánh giá rất cao, thể hiện năng lực dẫn dắt, đổi mới sáng tạo của trường đại học.

Chính vì quan trọng như vậy nên có hiện tượng một số trường đại học mua bài báo, khai man, tạo nên thứ hạng xếp hạng không đúng với thực lực - đây là hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh". Điều này không có nghĩa chúng ta tẩy chay xếp hạng, mà đòi hỏi các tổ chức xếp hạng phải không ngừng cải tiến trong cách đo lường và đánh giá sao cho xếp hạng ngày càng phản ánh được trung thực, chính xác hơn nữa trong thời gian tới.

Dẫn chứng việc sau nhiều năm đổi mới, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có thêm nhiều trường đại học lọt trong top các trường đại học hàng đầu của thế giới - điều rất đáng để họ tự hào và phấn đấu, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, xếp hạng đại học là một chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng giáo dục đại học và hội nhập quốc tế, khẳng định uy tín và vị thế của nhà trường.

Tại Việt Nam, năm 2018, lần đầu tiên 2 Đại học Quốc gia vào bảng xếp hạng 1.000 thế giới theo bảng xếp hạng QS. Sau đó, một số đại học lớn, trong đó có 2 Đại học Quốc gia đã tiếp tục lọt vào các bảng xếp hạng khó hơn như THE và bảng xếp hạng của Đại học giao thông Thượng Hải.

Mấy năm sau, giáo dục đại học của Việt Nam tiếp tục ghi nhận các lĩnh vực được xếp hạng. Năm 2023, 8/10 lĩnh vực của ĐH Quốc gia Hà Nội lọt vào top 1000 trong bảng xếp hạng THE. ĐH Quốc gia Hà Nội đề ra mục tiêu lọt top rangking 500 thế giới vào năm 2030 và top ranking 300 đến năm 2045.

Vì sao phải xếp hạng đại học? -0
"Nếu không xếp hạng, không theo luật chơi của quốc tế, vào sân chơi của thế giới, giáo dục sẽ khó hội nhập, thậm chí mất phương hướng, vì không có đối sánh sẽ không biết mình đang ở đâu, đang đi đâu, về đâu”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm (Ảnh: VNU)

Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của ĐH Quốc gia Hà Nội đã lọt top 386 thế giới theo bảng xếp hạng QS 2022. Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội mạnh dạn đề ra mục tiêu một số lĩnh vực lọt top xếp hạng 200 thế giới vào năm 2045.

“Tất cả thủ đô của các nước phát triển đều có những đại học hàng đầu. Nghị quyết 15 năm 2022 của TW về phát triển Thủ đô Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; và đến 2045 có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng. Sẽ thật khó đạt được nếu Thủ đô ta không có đại học nào lọt top đại học hàng đầu thế giới”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức phân tích.

Hiện nay, có bài viết về hiện tượng một vài đại học lớn “từ bỏ sân chơi” xếp hạng. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, bản chất xếp hạng đại học là một dạng benchmark (kiểm chuẩn) để đối sánh, đảm bảo chất lượng.

Theo ông, hàng ngàn trường đại học đang tham gia xếp hạng. Việc nhấn mạnh vào việc có một số trường đại học không tham gia (vì họ đã từng xếp hạng cao và uy tín, với họ bài toán chạy đua xếp hạng đã không còn là quá quan trọng) sẽ tạo nên sự hoang mang, hiểu lầm và “bàn lùi” trong giáo dục đại học. Điều đáng buồn là nhiều trường đại học Việt Nam cũng chưa dám đặt ra mục tiêu tham gia xếp hạng.

“Tôi phản đối và không ủng hộ việc a dua, khai man và bằng mọi cách để "mua" xếp hạng. Nhưng nếu không xếp hạng, không theo luật chơi của quốc tế, vào sân chơi của thế giới, giáo dục sẽ khó hội nhập, thậm chí mất phương hướng, vì không có đối sánh sẽ không biết mình đang ở đâu, đang đi đâu, về đâu”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nói.

Xếp hạngTiêu chí “số một” để nhiều trường đại học lựa chọn đối tác liên kết 

Trên thực tế, thứ hạng xếp hạng của các trường đại học trên thế giới được xem là tiêu chí hàng đầu để các trường đại học khác, trong đó có các đại học Việt Nam lựa chọn trong việc hợp tác liên kết đào tạo.

Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai 6 chương trình cử nhân liên kết đào tạo với nước ngoài, gồm 3 ngành do đối tác cấp bằng; 2 ngành (chương trình song bằng) do đối tác và Đại học Quốc gia Hà Nội cùng cấp bằng; 1 ngành do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, nguyên tắc số một để nhà trường lựa chọn đối tác liên kết là các trường đó phải nằm trong bảng xếp hạng thế giới. Đồng thời, đối tác liên kết phải đảm bảo được chất lượng của chương trình đào tạo, các chương trình phải được kiểm định và tuân thủ đúng quy định của pháp luật theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP. 

Ngoài ra, tùy từng thời điểm mà trường ưu tiên lựa chọn các trường truyền thống, hỗ trợ tốt công tác đào tạo, nghiên cứu cũng như thuận lợi trong việc chuyển đổi, trao đổi sinh viên. Những yếu tố này góp phần tạo ra môi trường quốc tế hóa cao trong trường đại học, thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

“Sắp tới, để bắt kịp xu thế phát triển, Trường Quốc tế có chiến lược “chơi” với các trường đại học lớn, trong top 100 thế giới, thậm chí top 50. Câu chuyện này nghe đơn giản nhưng cũng không dễ. Để “chơi” với các trường lớn này, chúng tôi tập trung vào đào tạo tiến sĩ, sẽ dễ hơn đào tạo đại học và thạc sĩ. Khi "chơi" với trường top đầu mình cũng sẽ trở nên tốt hơn và nâng cao thứ hạng mình lên”, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận cho hay.

Vì sao phải xếp hạng đại học? -0
Nguyên tắc số một để nhiều trường đại học lựa chọn đối tác liên kết là các trường đó phải nằm trong bảng xếp hạng thế giới (Ảnh minh họa: Nguyễn Liên)

Với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - trường đại học hiện có 13 chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc đại học và 6 chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc cao học, 1 chương trình liên kết đào tạo tiến sĩ, hợp tác với các trường đại học tại nhiều quốc gia trên thế giới, PGS.TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, tiêu chí quan trọng nhất để đơn vị lựa chọn đối tác liên kết nước ngoài là vị thế, chất lượng của đối tác.

“Đối tác liên kết cần uy tín, nghiêm túc và nằm trong hệ thống giáo dục chính thống được công nhận của nước sở tại. Thứ hạng của đối tác cũng là một yếu tố tham khảo và ưu tiên các nước có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ để học viên có thể phát triển hội nhập toàn cầu”, PGS.TS Lê Trung Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh đó,  đối tác liên kết cần có thể cung cấp nhiều hỗ trợ trong đào tạo và trao đổi giảng viên, cán bộ chương trình, và công tác bảo đảm chất lượng đào tạo; có những ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam và phù hợp với thế mạnh và định hướng phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; chương trình đào tạo được kiểm định tại nước sở tại hoặc kiểm định quốc tế (vd QAA, AACSB,...).

Tham gia xếp hạng phải trung thực

GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, xếp hạng cũng là một hình thức đối sánh. Mà đối sánh là phương pháp và công cụ cơ bản, hữu dụng của quản trị và kiểm định chất lượng.

“Không đối sánh thì chẳng biết mình ở đâu, chỉ “nhất mẹ nhì con”, đưa thông tin và nhận định sai cho cộng đồng. Chính người Trung Quốc đã chủ động đối sánh, thành lập nên bảng xếp hạng Giao thông nổi tiếng và từ thông tin đó họ đã định hướng phát triển nhanh được nhiều đại học đẳng cấp”, GS.TS Nguyễn Hữu Đức nêu dẫn chứng.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, tham gia xếp hạng phải trung thực. Xếp hạng là “hội nhập KPIs”, nhưng phải tiếp cận “KPIs” ấy bằng quan điểm vị nhân sinh, vị thực chất và hiệu quả phục vụ cộng đồng. Đó là cái đi trước, kết quả xếp hạng là hệ quả theo sau.

Bên cạnh đó, các bộ tiêu chí không bao giờ hoàn hảo mà cần được cập nhật theo thời gian, phù hợp với xu thế và thực tiễn. Không có bộ tiêu chí nào phù hợp với các trường có sứ mệnh khác nhau. Nên cần kết hợp nhiều phương pháp, nhiều bộ tiêu chí.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cũng cho rằng, xếp hạng là “cuộc chơi” không bắt buộc. Do đó, trường nào muốn thì tham gia. Nếu có phương pháp nào tự đánh giá mà cộng đồng thừa nhận và tự truyền thông được, trường có thể chủ động, tuỳ biến.

Hiện nay, chỉ có bảng xếp hạng Scimago (hoặc Webometrics) là bao phủ được nhiều trường, với khoảng 8.000-9.000 trường (trên thế giới có khoảng 30.000 trường đại học) bởi phương pháp xếp hạng của các bảng này dễ thu thập số liệu.

Các bảng QS, THE mới có gần 2.000 trường được xếp hạng, vì phương pháp của các bảng này khó lấy số liệu hơn và họ cũng giới hạn - chỉ trường nào mỗi năm có 100-150 công bố Scopus mới được tham gia xếp hạng.

Nguyễn Liên
#