Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực cho biết, theo thống kê của GLOBOCAN số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021 cả thế giới đã vượt qua một ngưỡng mới nghiêm trọng hơn khi ước tính đã có khoảng 20 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, đã có 10 triệu người tử vong do ung thư.
Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc mới đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận năm 2018.
Có nhiều loại bệnh ung thư diễn biến rất âm thầm như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư buồng trứng,…cho đến khi khối u di căn và biểu hiện triệu chứng. Nếu được phát hiện sớm và kịp thời tại bệnh chỉ mới hình thành, cơ hội chữa khỏi bệnh rất cao, các phương thức chữa trị không quá mạnh, phối hợp đồng thời, chi phí khám chữa trị cũng ít tốn kém nhất.
Việc tầm soát ung thư nên được thực hiện sớm, để phát hiện nguy cơ ung thư, chẩn đoán bệnh ung thư ở giai đoạn sớm ngay từ khi chưa có triệu chứng, giúp tăng khả năng chữa trị khỏi và giúp cải thiện tỷ lệ sống, không tái phát, giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh.
Do vậy, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực chỉ ra, những nhóm đối tượng sau thuộc nhóm có nguy cơ cao và sẽ nên ưu tiên thực hiện tầm soát ung thư càng sớm càng tốt bao gồm:
Người có bệnh sử gia đình
Có khoảng 5% đến 10% tất cả các bệnh ung thư là do di truyền. Đột biến di truyền do bố hoặc mẹ mang gene bệnh và truyền lại cho con cái. Khi một người thừa hưởng loại đột biến gene này có nguy cơ mắc một (hoặc nhiều loại) ung thư.
Nếu trong gia đình có người thân như cha mẹ, anh chị em ruột bị ung thư, thì nguy cơ ung thư của bạn cũng cao hơn so với những người khác. Do đó, bạn cũng cần chú trọng nhiều đến việc tầm soát ung thư định kỳ.
Người từ 40 tuổi trở lên
Ở độ tuổi trung niên, từ 40 – 60 tuổi sẽ là độ tuổi phù hợp để bắt đầu ưu tiên tầm soát ung thư.
Tại độ tuổi này, nhiều tế bào bắt đầu lão hóa khiến những khối u có thể dễ dàng hình thành và có nguy cơ cao gây ung thư, nhất là đối với những người có chế độ ăn uống thiếu khoa học, chế độ sinh hoạt không điều độ, ít vận động, thường xuyên bị căng thẳng và mệt mỏi.
Người hút nhiều thuốc lá
Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư phổi của những người có thói quen hút thuốc lá cao gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Do thuốc lá cũng được xem là nguyên nhân chính, chiếm đến 90% khả năng gây ra bệnh ung thư phổi.
Người hút thuốc lá chủ động và cả người thụ động hít phải khói thuốc trong một thời gian dài và liên tục đều nên đi tầm soát ung thư vì khả năng mắc bệnh từ khói thuốc lá đều cao như nhau.
Những người mắc bệnh mạn tính về phổi, dạ dày, gan…
Đối với người mắc các bệnh mạn tính như viêm gan, viêm phổi, viêm dạ dày mạn tính thường có nguy cơ cao bệnh phát triển thành ung thư.
Để đánh giá chính xác được nguy cơ tiềm ẩn phát triển thành bệnh ung thư một cách chính xác và hiệu quả nhất, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị.