Người đàn ông ngoài 40 tuổi (Hà Nội) đến khám chuyên khoa da liễu trong tình trạng rụng tóc toàn bộ da đầu sau thời gian dài chủ quan, tự điều trị bằng các sản phẩm không rõ nguồn gốc và không có chỉ định chuyên môn.
Bệnh nhân cho biết ban đầu, tóc chỉ rụng một mảng nhỏ ở sau tai. Nghĩ do gội đầu không sạch, anh tự ra hiệu thuốc mua kem bôi. "Đến 3 tháng sau, soi gương chỉ còn thấy da đầu trắng hếu nên tôi rất hoảng", người đàn ông chia sẻ.

Trực tiếp thăm khám, điều trị cho trường hợp này, BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam thông tin, đây là một trong nhiều trường hợp cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc xem nhẹ các dấu hiệu rụng tóc mảng - căn bệnh thường bị hiểu lầm là đơn giản.
Theo bác sĩ Thành, rụng tóc mảng (Alopecia areata) là một bệnh lý miễn dịch, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào chính các nang tóc khỏe mạnh. Tình trạng này khiến tóc rụng đột ngột thành từng mảng nhỏ có hình tròn hoặc bầu dục, xuất hiện rải rác ở da đầu hoặc những vùng khác trên cơ thể.
Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, rụng tóc mảng có thể tiến triển nặng hơn, dẫn tới rụng toàn bộ tóc trên da đầu (Alopecia totalis), thậm chí rụng toàn bộ lông tóc toàn thân (Alopecia universalis). Không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình, bệnh còn gây ra những tổn thương tâm lý kéo dài, đặc biệt ở người trẻ.
"Không ít bệnh nhân đã bỏ qua giai đoạn phát hiện sớm, tự bôi thuốc hoặc sử dụng các mẹo truyền miệng mà không có sự tư vấn chuyên môn. Kết quả là nang tóc bị tổn thương nặng, dẫn đến rụng lan rộng và không còn khả năng phục hồi", bác sĩ Thành chia sẻ.
Trước đó, bác sĩ Thành cũng từng tiếp nhận trường hợp một bé trai 10 tuổi bị rụng tóc từng mảng phía sau đầu. Gia đình vì lo lắng đã thử bôi các loại thuốc dân gian theo lời khuyên của người quen. Sau vài tuần, mảng rụng không những không cải thiện mà còn lan rộng khiến bé thường xuyên đội mũ, thu mình và né tránh bạn bè vì mặc cảm.
“Đây không phải là nấm da đầu hay thiếu chất như nhiều người vẫn nghĩ. Đây là bệnh tự miễn, khi nang tóc bị tấn công sẽ viêm âm thầm, teo nhỏ và lâu dần mất khả năng mọc lại,” bác sĩ Thành giải thích.
Một số yếu tố dễ khởi phát bệnh bao gồm: căng thẳng kéo dài, yếu tố di truyền, nhiễm virus, thay đổi nội tiết tố hoặc rối loạn miễn dịch hậu Covid-19. Diễn tiến bệnh thường âm thầm nhưng dai dẳng, nếu không can thiệp sớm sẽ để lại hậu quả khó phục hồi.

Theo bác sĩ Thành, điều trị rụng tóc mảng không đơn giản là bôi thuốc. Việc đầu tiên cần làm là xác định chính xác tình trạng nang tóc còn hoạt động hay đã bị teo. Sau khi đánh giá bằng thiết bị soi chuyên dụng, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, thường kết hợp nhiều phương pháp.
Thuốc bôi có thể là các sản phẩm điều hòa miễn dịch tại chỗ, trong đó corticoid được sử dụng thận trọng và có kiểm soát để tránh tác dụng phụ. Trong các trường hợp nặng, thuốc uống hỗ trợ miễn dịch và các liệu pháp bổ trợ như laser lạnh hoặc ánh sáng sinh học được áp dụng để tăng tuần hoàn máu, kích thích nang tóc hồi phục.
Đồng thời, việc tư vấn tâm lý được đưa vào như một phần quan trọng của quá trình điều trị, nhất là với những bệnh nhân có biểu hiện mặc cảm hoặc lo âu kéo dài.
Thời gian phục hồi có thể dao động từ hai đến sáu tháng, tùy vào cơ địa và mức độ tổn thương của từng bệnh nhân.
Bác sĩ Thành khuyến cáo, rụng tóc từng mảng dù chỉ là một chấm nhỏ cũng không nên xem nhẹ. Điều trị càng sớm, cơ hội phục hồi càng cao. Bệnh nhân không nên tự ý bôi thuốc hay tin vào các mẹo lan truyền trên mạng.
"Nếu trì hoãn, hậu quả là cả mái tóc và sự tự tin của bạn sẽ ra đi,” bác sĩ Thành lưu ý.