Giành độc lập từ Anh vào năm 1962, Uganda là quốc gia khá non trẻ. Cùng năm, Uganda lần đầu tiên có thiết chế Nghị viện theo mô hình một viện. Kể từ đó, Uganda có nhiều thay đổi về cấu trúc chính trị, từng trải qua thời quân đội nắm quyền, thời kỳ chuyển tiếp và áp dụng chế độ đa đảng từ năm 2005. Nghị viện hiện nay là Khóa 10, vừa được bầu ra sau cuộc bầu cử hồi tháng 2 năm nay, có 426 nghị sĩ.
Dù Nghị viện đã có lịch sử hơn 5 thập kỷ ở Uganda nhưng hệ thống thư viện và nghiên cứu dành riêng cho Nghị viện có tuổi đời ngắn hơn nhiều. Bộ phận Thư viện và nghiên cứu của Nghị viện Uganda được thiết lập và đưa vào sử dụng từ năm 1999, trước nhu cầu ngày càng lớn của nghị sĩ đối với nguồn thông tin độc lập, chưa qua tay Chính phủ. Với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID), Đại học New York (SUNY) là bên khởi động và triển khai dự án Hỗ trợ Kỹ thuật Nghị viện Uganda. Dự án này hướng tới mục tiêu thiết lập một hệ thống nghiên cứu và tra cứu nhằm cung cấp thông tin mang tính thống kê và khách quan cho các nghị sĩ, các ủy ban, và các quan chức cấp cao Nghị viện. Bộ phận ban đầu được thành lập trong Cơ quan Thư viện, tra cứu và thông tin thuộc Nghị viện với 10 nhân viên tra cứu và 5 thủ thư. Các nhân viên hoàn toàn chưa có kinh nghiệm làm việc liên quan tới lĩnh vực lập pháp nên công việc tương đối khó khăn. Thách thức lớn nhất là việc truyền đạt thông tin đến các nhà lập pháp vừa nhanh chóng vừa chính xác.
![]() Hệ thống thư viện và nghiên cứu rất được Quốc hội Uganda coi trọng |
Khi tiến hành đợt tái cấu trúc các dịch vụ của Nghị viện vào năm 2004, bộ phận Thư viện và nghiên cứu được nâng cấp thành nhánh riêng, trực thuộc Cơ quan Thư viện và tra cứu Nghị viện. Năm 2012, nhánh này chính thức được nâng cấp và chia tách thành hai cơ quan độc lập. Đó là Cơ quan Thư viện với 16 nhân viên chính thức, và Cơ quan Nghiên cứu với 39 nhân viên. Năm 2013, 2 cơ quan trên được nâng cấp thêm lần nữa, và người đứng đầu mỗi cơ quan giữ vị trí giám đốc. Mỗi cơ quan đều có hàng chục nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm. Cơ quan Nghiên cứu còn tạo lập được những mối quan hệ hợp tác vững chắc với nhiều cơ sở nghiên cứu nổi tiếng trong và ngoài nước, cũng như với nhiều chuyên gia độc lập trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu ở Nghị viện cũng thuộc về chức năng của Văn phòng Ngân sách Nghị viện, Cơ quan Dịch vụ pháp lý và lập pháp, Cơ quan Đối tác phát triển.
Sự nâng cấp và đổi mới liên tục của Bộ phận Thư viện và nghiên cứu là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy, Nghị viện nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của hệ thống này đối với hoạt động Nghị viện nói riêng và với nền dân chủ tại Uganda nói chung. Theo Phó Chủ tịch Nghị viện Jacob L’Okori Oulanyah, trong thời đại công nghệ thông tin, nơi tiến trình làm luật và ra quyết định cần được định hướng bởi các bằng chứng khách quan và khoa học, thay vì bằng ý kiến chính trị chủ quan, không thể xem nhẹ vai trò của hệ thống thư viện và nghiên cứu.