Phân tích thấu đáo, xác định rõ trách nhiệm
Quan tâm đến kết quả công tác thi hành án hành chính năm 2024, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên cũng còn một số ý kiến băn khoăn.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho biết, trong báo cáo của Chính phủ có nhận định, số bản án đã thi hành xong tăng so với năm 2023, nhưng bên cạnh đó cũng nêu rõ, tuy nhiên số bản án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng (năm 2022 tăng 77 kiến nghị, năm 2023 tăng 135 và năm 2024 tăng 175 kiến nghị). Đề nghị làm rõ vấn đề này, đại biểu lưu ý, tất cả những số liệu này đặt ra câu chuyện về trách nhiệm cũng như tính nêu gương của các cơ quan nhà nước và cá nhân có thẩm quyền phải thi hành án.
Cho rằng kỷ luật, kỷ cương trong thi hành án hành chính chưa nghiêm, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) dẫn thực tế, nhiều trường hợp người phải thi hành án là cán bộ, nhân viên trong các cơ quan nhà nước đã không tự nguyện thi hành án làm cho vụ việc tồn đọng, kéo dài, mà lẽ ra họ phải nêu gương trước - như vậy thì kỷ cương, phép nước, tinh thần thượng tôn pháp luật khó có thể được thực thi nghiêm.
“Các vụ án hành chính là biểu hiện của sự xung đột, là phản ứng của công dân đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước. Nếu không được nhìn nhận, đánh giá, xử lý đầy đủ, lâu dần sẽ dễ gây hệ lụy làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ, hình ảnh Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, đại biểu Hoàng Đức Thắng thẳng thắn.
Từ thực tế nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, cần phân tích thấu đáo và xác định rõ trách nhiệm. Trong báo cáo thẩm tra đã chỉ rõ, báo cáo của Chính phủ vẫn chưa đánh giá tổng thể công tác xử lý vi phạm hành chính trên toàn quốc và trong từng lĩnh vực của các bộ, ngành; chưa có số liệu về cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự vi phạm bị xử lý. Cho rằng, vấn đề ở đây liên quan tới con người, đại biểu cho rằng, cần phân tích rất kỹ nguyên nhân nào thuộc về tổ chức, cá nhân, nguyên nhân nào thuộc về chế tài, hệ thống pháp luật và nguyên nhân nào do quy trình để bảo đảm nghiêm kỷ luật, kỷ cương. Nếu thiếu chế tài thì phải đề xuất sửa đổi pháp luật, nếu thiếu ý thức chấp hành, hay do vấn đề nêu gương, quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân thì cũng cần làm rõ; còn nếu thiếu sự nghiêm minh trong tổ chức thực hiện thì phải chấn chỉnh các khâu trong quy trình chấp hành pháp luật.
Quan tâm đến hòa giải, đối thoại tại tòa án các cấp
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, cần quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực án hành chính, không chỉ đơn thuần về mối quan hệ hành chính, dân sự bình thường mà đây còn là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, niềm tin của Nhân dân với chính quyền. Giải quyết tốt các vụ việc, vụ án hành chính chính là để củng cố niềm tin cũng như mối quan hệ giữa Nhà nước với Nhân dân. Vì thế, cần tổng kiểm tra, rà soát toàn diện tình hình giải quyết các vụ việc, xét xử, thi hành án hành chính; từ đó có các giải pháp quyết liệt, tích cực tập trung giải quyết các vụ việc, vụ án tồn đọng, kéo dài, dư luận xã hội, Nhân dân bức xúc, kiến nghị. Đặc biệt, cần quan tâm đến vai trò quan trọng của việc hòa giải, đối thoại tại tòa án các cấp trong xử lý vụ việc.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị, nhất thiết cần xem xét nghiêm túc việc thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật đã tồn đọng nhiều năm, để kiên quyết khắc phục căn bệnh, tình trạng "dây dưa, vắng mặt" trong tham gia tố tụng tại các phiên tòa hành chính và việc thiếu trách nhiệm trong thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước, xử lý nghiêm theo đúng quy định về xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính.
Cùng với đó, cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả quy định pháp luật về tiếp công dân và cơ chế, trách nhiệm đối thoại, giải trình công khai, minh bạch; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, kiến nghị của Nhân dân để không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Đây là biện pháp chủ động, tích cực và hiệu quả nhất. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính vì dân. Trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức chính quyền, cán bộ, công chức hàng năm cần gắn tiêu chí trách nhiệm liên quan đến các vụ việc, vụ án hành chính có liên quan.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng đề nghị, cần xem xét tổng thể các quy định pháp luật hiện nay, nhất là những bất cập để kịp thời kiến nghị bổ sung, hoàn chỉnh hành lang pháp lý vững chắc, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả khi thi hành pháp luật về hành chính. Theo đó, nghiên cứu, tổng kết sớm để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính, bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Hàng năm, trong báo cáo hoạt động của Chính phủ, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội cần tiếp tục đánh giá đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn nữa về tình hình vụ việc, án và thi hành án hành chính để Quốc hội biết, giám sát.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Bộ Tư pháp sẽ đổi mới cách làm, cùng với tiếp tục thực hiện các giải pháp đang triển khai, Bộ sẽ phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao tập trung tổng kết, đề xuất sớm sửa đổi Luật Tố tụng hành chính và các văn bản có liên quan, qua đó khắc phục những hạn chế về mặt thể chế đại biểu nêu.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương có nhiều án hành chính tồn đọng, kiên quyết kiến nghị và theo dõi thực hiện kiến nghị về việc xử lý trách nhiệm đối với trường hợp không thi hành hoặc chậm thi hành. Bộ cũng tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 26, trong đó có việc đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm trách nhiệm của người phải thi hành vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính thuộc thẩm quyền quản lý; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý đối với các trường hợp người phải thi hành là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính.