Huế - khúc ruột miền Trung với nắng dãi mưa dầu song chan chứa hồn thơ, tâm sự đầy vơi bởi nặng tình non nước hàm ơn cuộc đời, mến yêu thiên nhiên và thấm đẫm tình người. Nhẹ lòng lắng nghe câu ca “Huế ơi, quê mẹ của ta ơi...” sao đong đầy vô vàn cảm xúc yêu thương đến thế!
Là vùng đất địa linh, nhân kiệt, văn hiến - có vị trí địa lý chiến lược, giàu truyền thống lịch sử văn hóa cách mạng; tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, quy mô kinh tế, kết cấu hạ tầng, đầu tư, nguồn lực còn hạn chế... đòi hỏi sự đoàn kết, chung lòng của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành của nhân dân để phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng hiện đại, văn minh, an toàn và bền vững, gắn với không gian đặc thù của thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Mục tiêu đã rõ, hóa thành bảo sở như hiện ra trước mắt! Từ nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh đã rất trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao, cùng với các giai tầng xã hội không ngừng nỗ lực phấn đấu, tích cực từ các ngành, các lãnh vực...; đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của Trung ương, nhờ đó nhiều công trình phúc lợi xã hội đã thể hiện nội lực và làm thay đổi diện mạo Thừa Thiên Huế ngày càng sắc nét.
Để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, tỉnh đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đầu tư xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; triển khai các dự án trọng điểm, dự án sản xuất công nghiệp; khai thác có hiệu quả Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Quần thể di tích Cố đô Huế... tỉnh luôn kêu gọi đầu tư các dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; các nguồn năng lượng sạch hướng đến phát triển đô thị xanh, khu công nghiệp bền vững. Huế có vai trò là cửa ngõ quan trọng trên hành lang kinh tế Đông - Tây, là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar; với châu Á và thế giới. Vì thế, xây dựng trung tâm khám chữa bệnh quốc tế; đào tạo và chuyển giao công nghệ y tế tiên tiến; phát triển du lịch y tế đáp ứng nhu cầu của du khách trên thế giới.
Lĩnh vực văn hóa luôn giữ vai trò động lực quan trọng để phát triển tỉnh nhà cho nên hình ảnh di sản, văn hóa, ẩm thực Huế tích cực quảng bá, các lễ hội truyền thống nỗ lực phát huy; nhiều công trình triều Nguyễn được trùng tu khang trang; du lịch với văn hóa gắn kết chặt chẽ, trở thành nét đặc sắc của du lịch Huế, đặc biệt thông qua hình thức Festival bốn mùa đã mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Huế, văn hóa quốc gia. Do đó, trong những năm qua, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá so với cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quang xanh sạch đẹp; xử lý rác, nguồn nước, không để gây ô nhiễm. Huế được bạn bè quốc tế tặng nhiều danh hiệu như thành phố văn hóa du lịch Asean, thành phố xanh quốc gia, thành phố môi trường Asean, thành phố Festival...
Từng là kinh đô của Phật giáo một thời, bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính, an lạc giữa những núi rừng hoang vu, u tịch. Nguyên Tổng giám đốc UNESCO Amadou Mahtar M’bow, đã nhận định: “Huế không phải chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động - ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hòa nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo”.
Ngày mai, 30.11, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương với đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, là bước thể chế hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị vô cùng quan trọng.
Thành phố Quito của Ecuador là thành phố đầu tiên trên thế giới được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa vào năm 1978, thì nay Huế - thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương, là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam, cũng là thành phố di sản văn hóa của thế giới mang trong mình 8 di sản được UNESCO công nhận và vinh danh. Huế xứng đáng với sự mong đợi của đất nước và dân tộc Việt Nam chúng ta!
Huế, tháng 11.2024