Cần thiết lập theo tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn hội, hiệp hội ngành hàng
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua. Theo các đại biểu Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Việc xây dựng dự án Luật lần này đã thể hiện nỗ lực lớn trong việc hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn hóa, bảo đảm phù hợp với các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn.
Tại Điều 8a của dự thảo Luật đã bổ sung quy định về xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn. Theo ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An), đây là bước đi chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước hạn hẹp và nhu cầu đa dạng của thị trường. Việc xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn sẽ tạo ra một làn sóng mới, thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân vào quy chuẩn kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng và tính phù hợp của tiêu chuẩn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, đại biểu Thái Thị An Chung chỉ rõ, việc cụ thể hóa chính sách xã hội hóa trong dự thảo Luật còn mờ nhạt, mới chỉ dừng lại ở việc mở rộng các đối tượng được tham gia góp ý và quá trình xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, thiết lập hai tiêu chuẩn là: tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn hội, hiệp hội ngành hàng theo nguyên tắc tiêu chuẩn quốc gia do Nhà nước xây dựng, tập trung vào các tiêu chuẩn liên quan đến quốc phòng, an ninh, còn các lĩnh vực khác yêu cầu cần phải chứng nhận sự phù hợp thì trao quyền cho các hội, hiệp hội được trực tiếp xây dựng, ban hành.
“Đồng thời, quy định rõ điều kiện về hội, hiệp hội xây dựng tiêu chuẩn, quản lý chương trình chứng nhận tiêu chuẩn và trình tự thủ tục ban hành tiêu chuẩn; thiết lập cơ chế để hội, hiệp hội ngành nghề có đủ công cụ để giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua việc chấp nhận tiêu chuẩn hội, hiệp hội và cho phép các hội, hiệp hội đủ điều kiện được ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm và quản lý chương trình chứng nhận sản phẩm. Nhà nước bảo hộ tiêu chuẩn ngành thông qua việc xác nhận quyền tác giả đối với các tiêu chuẩn ngành”, đại biểu Thái Thị An Chung nói.
Cũng quan tâm đến Điều 8a, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tại Điều 1 khoản 3 sửa đổi, bổ sung Điều 8a về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia. Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là cơ sở định hướng cho việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc gia nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Song, trong dự thảo Luật chưa quy định rõ ràng vai trò và trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc thực hiện chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Để tránh tình trạng chồng chéo hoặc thiếu sự phối hợp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng lưu ý, cần có cơ chế giám sát và đánh giá định kỳ để điều chỉnh kịp thời các chiến lược, chương trình đã đề ra và nghiên cứu bổ sung quy định này vào dự thảo Luật một cách phù hợp.
Xác định rõ vai trò của tiêu chuẩn tự nguyện và quy chuẩn bắt buộc
Quan tâm đến quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao việc bổ sung nội dung tại Điều 8c và một số điều khoản khác trong dự thảo Luật liên quan đến nội dung này. ĐBQH Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước như tiết kiệm chi phí tìm kiếm thông tin, giúp tăng tính minh bạch và độ tin cậy của các sản phẩm trên thị trường.
Mặc dù vậy, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm đề nghị cần quan tâm làm rõ 4 nội hàm. Một là, lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành vận hành thử nghiệm và trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan. Hai là, cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan và khả năng liên kết với cơ sở dữ liệu quốc tế. Ba là, nguồn kinh phí cho việc xây dựng và duy trì hệ thống. Bốn là, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng hệ thống, ví dụ chính sách hỗ trợ tài chính như miễn, giảm hoặc giảm phí cho doanh nghiệp, tổ chức khi truy cập và sử dụng dữ liệu trên hệ thống, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận; hỗ trợ chi phí tích hợp dữ liệu đối với các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dữ liệu cho hệ thống. Nhà nước có thể hỗ trợ chi phí tích hợp dữ liệu ban đầu, đặc biệt là với các tổ chức nhỏ hoặc có dữ liệu đặc thù.
Theo ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), việc sửa đổi, bổ sung quy định đối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là cơ sở pháp lý để xây dựng, cập nhật, quản lý hệ thống này một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận tốt hơn các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng như quy định trách nhiệm của các bên có liên quan trong xây dựng, cập nhật, quản lý và duy trì hệ thống.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị hoàn thiện cơ chế khai thác dữ liệu, cơ chế phân cấp trong xây dựng, khai thác và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời bổ sung giải trình một số vấn đề liên quan đến nghiên cứu, phân cấp, quản lý đến các bộ, ngành, địa phương để giảm tải cho Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như phát huy nguồn lực sẵn có của các bộ, ngành, địa phương; mặt khác, cũng thể hiện rõ vai trò chủ trì điều phối hoạt động xây dựng, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Khoa học và Công nghệ. Quy định liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật giữa các bộ để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không phải đăng ký, thông báo, công bố ở nhiều nơi đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý.
Bên cạnh những điểm mới khắc phục được một số bất cập so với trước đây, việc triển khai áp dụng Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhìn chung vẫn là lĩnh vực khó với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và một số cơ quan chuyên ngành, nhất là hoạt động công bố tiêu chuẩn áp dụng chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, chứng nhận phù hợp quy chuẩn và công bố hợp quy. Vì vậy, một số đại biểu cũng đề nghị xem xét, bổ sung tại Điều 6 dự thảo Luật nguyên tắc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng xác định rõ hơn vai trò của tiêu chuẩn tự nguyện và quy chuẩn bắt buộc trong từng lĩnh vực cụ thể. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp và các tổ chức dễ dàng trong việc triển khai, tránh lạm dụng hoặc áp đặt các tiêu chuẩn không phù hợp gây lãng phí nguồn lực.