Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua đã quy định chính sách ưu đãi đối với hoạt động công nghiệp công nghệ số. Theo đó, ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số trên nguyên tắc tham chiếu đến các quy định về ưu đãi hiện hành trong pháp luật về đầu tư, thuế, tín dụng, công nghệ cao.
Dự thảo Luật cũng bổ sung thêm một số ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tập trung vào sản phẩm trọng điểm, phần mềm bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu trí tuệ nhân tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số...
Cơ bản đồng tình với sự cần thiết phải có chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, tuy nhiên, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị, cần bổ sung quy định khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ số theo hướng hiện đại, đổi mới, sáng tạo, bền vững và theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
ĐBQH Tráng A Tủa (Điện Biên) cho rằng, dự thảo Luật nên bổ sung quy định khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ số.
Lưu ý, các doanh nghiệp công nghệ số chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các công nghệ mới, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề nghị, bên cạnh các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp công nghệ số cần xác định rõ hơn về đối tượng áp dụng, đặc biệt là cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính khả thi, thực sự góp phần tạo ra sự đột phá về công nghệ thông tin.
ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp công nghệ số nhỏ và vừa. Theo đó, cần quy định cụ thể các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép, quy trình đo lường, kiểm định; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thông qua việc xem xét hỗ trợ bảo lãnh hoặc được bảo lãnh từ các ngân hàng.
Nghiên cứu các quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với những chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số trong nước bảo đảm cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.
“Chính phủ cũng cần tăng chi tiêu công để đặt hàng các doanh nghiệp số trong nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số made in Việt Nam. Ví như, Mỹ đã từng chi 60 triệu USD để đặt hàng hãng BAE Systems sản xuất con chip của máy bay, vệ tinh”, đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh.
Tăng cường kiểm soát, dự lượng nguy cơ
Dự thảo Luật cho phép thử nghiệm có kiểm soát với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương lưu ý, thử nghiệm có kiểm soát mới được quy định trong một số văn bản có tính chất đặc thù như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thủ đô, Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại một số tỉnh, thành phố. Việc áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghiệp công nghệ số là cần thiết, đây là chính sách đột phá nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro khó lường. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong việc xem xét, ban hành một đạo luật để điều chỉnh lĩnh vực công nghiệp công nghệ số nên cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định cụ thể hơn trên cơ sở tăng cường kiểm soát và có dự lượng các nguy cơ rủi ro.
“Thực tế, đột phá càng lớn thì nguy cơ rủi ro cũng có thể sẽ càng cao và đòi hỏi cơ chế bảo vệ càng phải được chú trọng với những biện pháp đặc thù, nhằm bảo vệ tốt hơn an toàn sức khỏe, tính mạng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng trong quá trình thử nghiệm và sau khi kết thúc thử nghiệm, nhất là trước những thay đổi biến động nhanh chóng như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị.
Đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị, tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong dự thảo Luật và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng cũng như trong Luật Thủ đô.
Đơn cử về thời hạn thử nghiệm, tại Luật Thủ đô và Nghị quyết số 136/2024/QH15 đều quy định thời hạn thực nghiệm thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm, có thể được gia hạn một lần và không quá 3 năm. Trong khi đó dự thảo Luật chỉ quy định thời gian thử nghiệm tối đa là 2 năm.
Về áp dụng các quy phạm mang tính đặc thù cho hoạt động thử nghiệm có kiểm soát, có ý kiến cho rằng chỉ nên thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp số ở các địa phương có các cơ chế đặc thù như TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh. Đại biểu Trần Thị Vân đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu và rà soát đối với các địa phương có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP lớn được thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát này. Ví dụ tỉnh Bắc Ninh, hiện nay tỷ trọng kinh tế số chiếm gần 57% trên GRDP của tỉnh; đây là tỷ trọng cao nhất trong cả nước.