Bám sát địa bàn để xử lý
Đánh giá về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 năm và tháng 11.2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Báo cáo cần khái quát hơn phần cử tri và Nhân dân ghi nhận hoạt động của Quốc hội, nêu được Kỳ họp thứ Tám đã có sự thay đổi tư duy rất sâu sắc trong công tác xây dựng pháp luật.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thông qua 18 luật, đều là những vấn đề khó, mới, cho thấy sự nỗ lực cố gắng của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình các luật này ra Quốc hội đều nhận được sự đồng tình cao của đại biểu Quốc hội. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật về đầu tư, Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật về tài chính - ngân sách... được Quốc hội thông qua theo quy trình tại một Kỳ họp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
"Quốc hội đã và đang chủ động chuyển từ tư duy quản lý sang kiến tạo, tăng cường giám sát, cải cách thủ tục hành chính; giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, xác định trách nhiệm gương mẫu đi đầu trong hoàn thiện thể chế, nâng cao "tuổi thọ" các luật; thực hiện tinh gọn bộ máy trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đề cập một số điểm nổi bật vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2024, tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 7%, 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt, có những chỉ tiêu vượt, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Quốc hội đã quyết định cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên để thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, dự kiến đến hết ngày 31.12.2025 sẽ hoàn thành, thậm chí có thể hoàn thành trước thời hạn.
Cùng với đó, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, với nhiều chính sách khám bệnh, chữa bệnh của người dân được quan tâm, đặc biệt bảo hiểm được phân tầng, thông tuyến, người bị bệnh hiểm nghèo có thẻ bảo hiểm y tế không cần phải có giấy chuyển viện mà đi thẳng lên các bệnh viện lớn của trung ương… "Quốc hội thông qua luật này cũng là một việc lớn", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Hay việc người dân lo lắng về thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, các chất kích thích ảnh hưởng đến thế hệ thanh, thiếu niên. Chủ tịch Quốc hội cho biết, “lần này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, trong đó, thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025”.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội cần nêu cụ thể, điển hình cơ quan nào có thẩm quyền nhưng chưa chú trọng, khẩn trương giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người. “Đã đến lúc chúng ta cần phải công khai xác định trách nhiệm, không thể chung chung mãi được. Người đứng đầu phải tiếp công dân để giải quyết dứt điểm. Nếu cấp khu vực quan tâm đến người dân thì người dân không lên xã. Nếu xã quan tâm giải quyết thấu tình, đạt lý thì người dân không lên tỉnh. Tỉnh giải quyết rõ, cụ thể thì người dân không kéo về Trung ương. Chúng ta phải bám địa bàn xã để xử lý”.
Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần công khai việc thực hiện tiếp công dân ở các bộ, ngành, địa phương; quy định người đứng đầu phải tiếp công dân một tháng bao nhiêu lần, có làm tốt hay không.
Coi trọng, có cơ chế, chính sách hợp lý cho cán bộ diện sắp xếp, tinh giản
Về chủ trương tinh gọn bộ máy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, sắp xếp bộ máy không chỉ ở phía Chính phủ, các bộ, ngành, mà còn ở các ban Đảng và Quốc hội. Tương tự, ở các địa phương, các tỉnh, thành phố cũng đang chuẩn bị sắp xếp tổ chức bộ máy. Cho nên, khi tiếp xúc cử tri, cần thực tế hơn, làm rõ xem mong muốn lớn nhất của người dân lúc này là gì.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, trong các kiến nghị của Báo cáo công tác dân nguyện cần nêu rõ phải làm tốt hơn nữa, sâu sắc hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương mới về xây dựng Đảng, tinh gọn bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị.
Bên cạnh việc phát huy những phương pháp, cách thức tuyên truyền thông qua chuyển đổi số, thực hiện thông tin một cách nhanh chóng, trực tuyến từ trung ương đến địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần chú trọng cả phương pháp tuyên truyền trực tiếp qua các cuộc sinh hoạt Đảng, tuyên truyền qua báo cáo viên, tuyên truyền miệng. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cử tri và Nhân dân đồng tình với chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhưng vẫn cần tuyên truyền tốt hơn nữa bởi khi sắp xếp sẽ liên quan, đụng chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người này, người kia.
Một nội dung rất quan trọng của việc sắp xếp, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng của bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới đó là phải coi trọng, có cơ chế, chính sách hợp lý, thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nằm trong diện sắp xếp, tinh giản biên chế. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trước đây, khi thực hiện Nghị quyết 39 – NQ/TW ngày 17.4.2015 “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức” cũng có một phần rất quan trọng là chế độ, chính sách. Trong bối cảnh hiện nay, với quy mô nền kinh tế và ngân sách đã lớn hơn rất nhiều so với trước đây, cần quan tâm chăm lo về mặt chính sách cho người lao động.
Nhấn mạnh việc sắp xếp ngoài mục tiêu tinh giản bộ máy để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, những người trong diện sắp xếp cũng là người dân, là cán bộ nên việc quan tâm đời sống của những người này cũng là mục tiêu phấn đấu cho đất nước phát triển, người dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới.
Do vậy, “Báo cáo bổ sung cần có cơ chế, chính sách thật mạnh và vượt trội so với trước đây để khuyến khích những người còn 2 năm, hoặc 3-4 năm có thể sẵn sàng nghỉ để cho cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản ở lại trong hệ thống”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề xuất.