Tinh gọn thực chất tại cấp trung gian, giảm đầu mối trực thuộc
Về phạm vi hoạt động của mỗi tổ chức, cần tập trung vào địa bàn, lĩnh vực trọng điểm của đối tượng vận động, hoạt động sâu, nắm chắc quần chúng, tránh trùng lặp để mỗi địa bàn không nhiều tổ chức cùng hoạt động. Xây dựng cơ chế tài trợ của ngân sách nhà nước thay cho việc cấp phát tài chính theo dự toán như cơ quan nhà nước, nâng dần tính chủ động, tự chủ về tài chính của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ trong bộ máy MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm các điều kiện chính sách, chế độ để họ thật sự trở thành những nhà hoạt động xã hội.
Trên cơ sở phân tích rõ tính chất, đặc điểm, thực trạng của đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để tiến hành tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ này và xây dựng hệ thống cơ chế quản lý cũng như chế độ, chính sách phù hợp, không rập khuôn như đội ngũ cán bộ, công chức hành chính và không “công chức hóa” đội ngũ cán bộ trong các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp.
Xây dựng cơ chế, quy chế phối hợp trên cơ sở rành mạch chức năng giữa Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm tính độc lập tương đối về tổ chức, kinh phí hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó, có sự phân công, ràng buộc trách nhiệm cụ thể, giám sát lẫn nhau giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự vận hành đồng bộ, thông suốt của hệ thống chính trị, mở rộng và phát huy dân chủ trong xã hội, nâng cao chất lượng của cả hệ thống chính trị.
Xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để hạn chế, chấm dứt xu hướng “nhà nước hóa”, “hành chính hóa” của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cũng như xu hướng “chính trị hóa” của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp một cách tràn lan, tốn kém về kinh phí, hoạt động chồng chéo. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, đồng thời củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng thu gọn các “tổ chức cứng”, tinh gọn biên chế chuyên trách, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các phong trào, chú trọng địa bàn cơ sở. Có hình thức phù hợp suy tôn các cá nhân tự nguyện cống hiến, hoạt động trên lĩnh vực này, như các nhà hoạt động xã hội trong thời kỳ mới.
Dựa vào Nhân dân - bài học lịch sử lớn trên mỗi chặng đường phát triển đất nước
Dựa vào Nhân dân để đổi mới hệ thống chính trị - đây là tiền đề xã hội, là sự hậu thuẫn từ cơ sở xã hội để đổi mới hệ thống chính trị. Đó là lòng dân, sức dân, là tâm nguyện và ý chí quyết tâm của dân, sức mạnh được nhân lên bởi dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy.
Nhân dân ủng hộ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia, gắn bó với các tổ chức, đoàn thể của mình bằng tổ chức và hoạt động, tạo ra các phong trào thi đua yêu nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc XHCN thì đó là nhân tố bảo đảm chắc chắn cho mọi thắng lợi. Đó thực sự là điều kiện để đổi mới thành công hệ thống chính trị ở nước ta; là nguồn vốn xã hội dồi dào, vô tận cần được khai thác để phục vụ Nhân dân, để phát triển, bồi dưỡng sức dân, vì hạnh phúc của Nhân dân. Nguồn vốn xã hội đó phải được thường xuyên nuôi dưỡng và phát triển. Hệ thống chính trị là hệ thống chính trị của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đổi mới hệ thống chính trị phải dựa vào Nhân dân, có Nhân dân tham gia thì mới đổi mới thành công, mới thực sự vững chắc, lâu bền.
Dựa vào Nhân dân là một bài học lịch sử lớn rút ra từ thực tiễn cách mạng nước ta và mãi mãi là bài học có ý nghĩa cấp thiết trên mỗi chặng đường phát triển đất nước. Quá trình đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay, việc thấm nhuần sâu sắc bài học này có ý nghĩa to lớn và là một yếu tố bảo đảm sự thành công của Đổi mới. Dựa vào Nhân dân, tức là dựa vào vai trò và sức mạnh quyết định của Nhân dân.
Để quần chúng nhân dân ủng hộ và tham gia tích cực vào quá trình đổi mới chính trị, cần hết sức chăm lo tới lợi ích nhu cầu thiết thân, hàng ngày của dân chúng, như cơm ăn, áo mặc, học hành, chỗ ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe và mọi nhu cầu văn hóa tinh thần khác. Đó là tự do, dân chủ, công bằng, bình đẳng, những giá trị rất cơ bản của phát triển, của việc bảo đảm quyền của mọi người, mọi công dân. Phải làm cho mọi thông tin đến với Nhân dân, mọi chủ trương, quyết sách được thảo luận, bàn bạc, góp ý, hiến kế. Những gì thuộc về tự quản cộng đồng, người dân phải được trực tiếp quyết định, do Nhân dân làm chủ.
Những hoạt động của Đảng, Nhà nước, đoàn thể và hành vi của các cán bộ, công chức phải có sự kiểm tra, giám sát xã hội của Nhân dân. Dân chúng trực tiếp (qua các phương tiện thông tin đại chúng) hoặc gián tiếp (qua các tổ chức đại diện) tham gia vào việc tư vấn, phản biện với các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng nhắc nhở cán bộ phải gần dân, hỏi dân, học dân, nghe dân.
Có thể thấy, cần thực hành dân chủ rộng rãi, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để nâng cao vai trò làm chủ, rèn luyện năng lực làm chủ, phát huy tác dụng làm chủ của Nhân dân, nhất là trong việc xây dựng đường lối, đánh giá chính sách, lựa chọn cán bộ, chấn chỉnh tổ chức, phát hiện và xử lý tham nhũng để làm trong sạch bộ máy, thể chế, đoàn kết lực lượng Nhân dân và tin tưởng ở năng lực của Nhân dân, giải quyết kịp thời những đề nghị chính đáng của Nhân dân; đồng thời, luôn đem lại lợi ích cho Nhân dân.
Đó là cách thức tốt nhất để Nhân dân ủng hộ và tích cực tham gia đổi mới hệ thống chính trị. Đổi mới chính trị và hệ thống chính trị dù là rất khó khăn, phức tạp, nhưng nếu có Nhân dân tham gia và tổ chức tốt mọi việc để Nhân dân tham gia thì chắc chắn sự nghiệp đổi mới hệ thống chính trị sẽ tất yếu thành công, đúng như định hướng của Trung ương tại Hội nghị lần thứ 10 khóa XIII và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.