Bao quát thêm các doanh nghiệp nhỏ có tiềm năng phát triển
Dự thảo Luật đã bổ sung mức thuế suất 15% áp dụng riêng cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và thuế suất 17% áp dụng riêng cho doanh nghiệp có doanh thu từ 3 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng, thay vì mức 20% như luật hiện hành. Bên cạnh đó, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên mức thuế suất doanh nghiệp phổ thông là 20%.
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) nhận thấy, mức thuế thu nhập doanh nghiệp nhìn chung có ưu đãi đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng mức thuế suất chung 20% vẫn là cao. So sánh với các nước trong khu vực ASEAN cho thấy, mức thuế suất 20% cao hơn so với Singapore (17%) và Brunei (18,5%). Do đó, nên cân nhắc giảm thêm, có thể xuống khoảng 19% nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau giai đoạn dịch Covid-19.
Cho rằng, đối với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thì việc giảm thuế suất xuống 15% hay 17% cũng chưa thực sự có nhiều ý nghĩa, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề xuất, nên ấn định mức đóng cụ thể, mỗi tháng doanh nghiệp đóng bao nhiêu và mỗi năm doanh nghiệp đóng bao nhiêu, bởi lẽ để tính ra số tiền thuế theo mức thuế suất 15% hay 17% như quy định trong dự thảo Luật thì doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn cần phải có quyết toán và nhiều vấn đề liên quan khác tới chi phí của doanh nghiệp.
Ở góc nhìn khác, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, khoảng cách giữa ngưỡng doanh thu 3 tỷ đồng và 50 tỷ đồng có sự chênh lệch lớn về quy mô giữa hai nhóm doanh nghiệp, trong khi mức thuế suất áp dụng đối với hai nhóm này lại chỉ chênh lệch 2%. "Doanh nghiệp có thể chia nhỏ doanh thu để hưởng thuế suất thấp hơn, làm giảm hiệu quả quản lý thuế và gây thất thu ngân sách. Các doanh nghiệp trong ngưỡng doanh thu gần 3 tỷ đồng hoặc 50 tỷ đồng có thể tránh tăng trưởng để không phải chịu thuế suất cao hơn, kìm hãm sự phát triển dài hạn". Lưu ý vấn đề này, đại biểu đề nghị, tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế suất 15% từ 3 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng nhằm phù hợp hơn với thực tế hoạt động của doanh nghiệp siêu nhỏ. Cùng với đó, tăng ngưỡng doanh thu áp dụng thuế 17% từ 50 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng để bảo đảm bao quát thêm các doanh nghiệp nhỏ có tiềm năng phát triển.
Bên cạnh đó, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị, thay vì chỉ sử dụng tiêu chí doanh thu để phân loại doanh nghiệp như dự thảo Luật thì cần sử dụng thêm các tiêu chí khác như: số lao động, vốn đăng ký hoặc tổng tài sản để phân loại doanh nghiệp. Đồng thời, áp dụng lộ trình tăng dần mức thuế suất khi doanh nghiệp vượt ngưỡng doanh thu, ví dụ từ 15% lên 16% hoặc từ 17% lên 18% thay vì tăng đột ngột lên 20% để tránh tạo áp lực lớn khi doanh nghiệp mở rộng quy mô.
Về mức thuế suất 17% áp dụng với doanh nghiệp cho doanh thu từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% tổng số doanh nghiệp nước ta. Trong giai đoạn năm 2013 - 2015, Nhà nước tính thuế 2% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi đó thuế suất phổ thông đối với các doanh nghiệp khác là 25%. Do vậy, trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lần này, căn cứ vào Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất thuế suất thu nhập doanh nghiệp ở mức 20% nhằm ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nghiên cứu bổ sung các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập tính thuế
Về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị xem xét, bổ sung chi phí được khấu trừ thuế từ thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí hỗ trợ ngoài phương án giải phóng mặt bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo ông, đây hiện là khoản chi phí rất lớn đối với các dự án có thu hồi đất, việc không được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp vô hình trung đẩy giá bất động sản lên cao. Việc bổ sung khoản chi phí này vào Điểm a, Khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật cũng phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024 đối với các dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, nếu bổ sung chi phí này được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp thì cần quy định điều kiện chặt chẽ, minh bạch, tạo thuận lợi cho việc thực hiện.
Tại Điểm m Khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật quy định về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế. Tình huống có thể nảy sinh trong thực tế là: doanh nghiệp bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư hoặc bỏ tiền đầu tư dự án kinh doanh, nhưng do lý do khách quan dự án gặp rủi ro, doanh nghiệp không có doanh thu từ dự án này. Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan thuế căn cứ vào quy định khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế để loại bỏ chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí đã đầu tư của dự án gặp rủi ro. Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến động lực đầu tư của doanh nghiệp.
"Nếu không cho phép tính chi phí được trừ trong trường hợp trên sẽ khiến các doanh nghiệp ngần ngại khi mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai đầu tư các dự án mới có rủi ro cao, các dự án đầu tư mạo hiểm, mô hình kinh doanh mới, các hoạt động đổi mới sáng tạo, trong khi đây lại là những động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong giai đoạn tới". Nhấn mạnh điều này, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị, xem xét bổ sung chi phí liên quan đến việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư các dự án mới nhưng gặp rủi ro do khách quan dẫn đến không có doanh thu vào diện chi phí trừ khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, quy định trên được luật hóa từ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và quy tắc doanh thu tương ứng với chi phí của pháp luật về kế toán. Nếu bổ sung quy định trên vào dự thảo Luật có thể gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp, bởi lẽ hiện nay không hiếm gặp các trường hợp doanh nghiệp bỏ rất nhiều chi phí đầu tư vào các dự án kinh doanh nhưng vì lý do khách quan, sự kiện bất khả kháng mà dự án không sinh lời như kế hoạch đã đặt ra trước đó. Do vậy, đại biểu cũng nhất trí đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về các trường hợp khoản chi đã nêu ở trên được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt rủi ro khi đầu tư dự án.