Xin ý kiến nhiều cấp, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội
Đầu tư là một hoạt động quan trọng của doanh nghiệp. Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua đã dành một chương (Chương IV) để quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, tại các quy định từ Điều 25 đến Điều 31 của dự thảo Luật nêu rõ, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định chủ trương dự án đầu tư thuộc nhóm A theo quy định của Luật Đầu tư công hoặc có tổng mức đầu tư bằng mức từ 50% vốn điều lệ ghi trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước 100% vốn điều lệ hoặc có ý kiến để người đại diện vốn biểu quyết quyết định chủ trương dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ. Doanh nghiệp quyết định phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư còn lại (được quy định từ Điều 28 đến Điều 32).
Tuy nhiên, từ thành công khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp luôn bám sát nguyên tắc quy định theo hướng chọn - bỏ, thay vì chọn - cho, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị, các quy định tại Chương IV phải thể hiện tuyệt đối theo nguyên tắc chọn - bỏ, "tức là, quy định những việc không cấm và hạn chế đối với doanh nghiệp, không liệt kê việc doanh nghiệp nhà nước được làm những việc gì".
Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng bày tỏ băn khoăn với quy định tại Điều 31 về quyết định thực hiện dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Bởi, đầu tư hiểu đơn giản là hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Nhà nước đã có một quy trình, thủ tục là đầu tư vốn vào doanh nghiệp, nay doanh nghiệp sử dụng tiền và tài sản đấy đi đầu tư. “Nếu không rà soát cẩn thận, chúng ta lại quy định thêm một quy trình, thủ tục, có nghĩa vừa đầu tư vốn vào doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp đi đầu tư từng dự án lại tiếp tục thực hiện một quy trình, không khác gì hai lần đầu tư công”, ông lưu ý.
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, trong hoạt động của doanh nghiệp có hai hoạt động cần kiểm soát là dùng tiền nhà nước đã đầu tư vào để mua vốn góp cổ phần của doanh nghiệp khác và bán tài sản. "Còn các hoạt động đầu tư như hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp cần hết sức cân nhắc điều chỉnh trong dự thảo Luật".
Cùng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) cho rằng, dự thảo Luật quy định về thủ tục hành chính còn phức tạp. Các quy định về đầu tư vốn nhà nước còn rườm rà, làm tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Ví dụ như phê duyệt về chủ trương đầu tư có những trường hợp phải xin hai lần, không biết là vấn đề nào phê duyệt trước so với vấn đề nào.
Bên cạnh đó, quy định tại dự thảo Luật còn thiếu phân cấp, phân quyền và chưa tăng tự chủ cho doanh nghiệp, tức là còn giảm so với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp còn phải xin ý kiến từ nhiều cấp, làm giảm tính chủ động trong kinh doanh của các doanh nghiệp, không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ ra quyết định mà còn làm mất đi cơ hội của thị trường.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng nhận định, dự thảo Luật hiện còn hạn chế quyền tự quyết của doanh nghiệp nhà nước đối với những dự án lớn, gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường, không khuyến khích được sự sáng tạo và đổi mới trong quản lý. Cùng với đó, có những quy định phức tạp, thủ tục kéo dài, tạo rào cản lớn và làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút với các doanh nghiệp nhà nước.
Quy định về phân phối lợi nhuận cần phù hợp hơn
Việc hoàn thiện quy định về phân phối lợi nhuận cũng là yêu cầu được một số đại biểu Quốc hội lưu ý. Phân tích cụ thể quy định tại Điều 15 của dự thảo Luật, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chỉ rõ, cơ chế phân phối lợi nhuận theo quy định của dự thảo Luật sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhiều vì tất cả đều chỉ được trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi.
"Nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng mức tự trả tiền lương cao, không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi thì thu nhập của người lao động hàng tháng vẫn cao. Song, ngược lại, nếu doanh nghiệp tự xác định mức lương thấp, kinh doanh tốt, lợi nhuận nhiều, dù được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng thì thu nhập của người lao động vẫn thấp. Do vậy, việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích lũy để phát triển, trích lập quỹ dự phòng. Phần còn lại phân phối tăng thu nhập cho cán bộ quản lý và người lao động được hưởng theo kết quả kinh doanh", đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.
Theo quy định tại khoản 1 và 2 của Điều 15 dự thảo Luật, lợi nhuận của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hay có vốn nhà nước đầu tư trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ đều thực hiện phân phối theo nguyên tắc trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp. Việc quản lý và sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ.
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng “quy định trích không quá 50% lợi nhuận vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp là cứng nhắc, cào bằng, không có sự phân biệt”. Theo ông, phải căn cứ vào quy mô, căn cứ vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh để quy định về tỷ lệ phân phối lợi nhuận phù hợp hơn.
Nêu kinh nghiệm khi xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, Luật này đã quy định đối với những cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở an ninh nòng cốt, tức là rất quan trọng thì sẽ được áp dụng cơ chế “để lại toàn bộ phần lợi nhuận sau thuế sau khi trừ các quỹ”. Đại biểu đề nghị nghiên cứu mô hình này để có quy định phù hợp với doanh nghiệp nhà nước, qua đó tạo lực cho các doanh nghiệp phát triển.