Nêu cao trách nhiệm, giải quyết khối lượng công việc lớn, quan trọng
- Xin bà cho biết những kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV?
- Sau gần 30 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, thành công tốt đẹp. Với tính chất quan trọng của một kỳ họp thường lệ cuối năm, với những yêu cầu đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn, kỳ họp đã có nhiều đổi mới trong chương trình, nội dung, điều hành công khai, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể.
Với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã xem xét, thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc và thống nhất quyết nghị rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đó là Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước năm 2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích; đó là Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương; xây dựng chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng; đó là các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; về phòng, chống ma túy đến năm 2030; chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…
Quốc hội đã xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”…
Tại kỳ họp này, ghi nhận nhiều vấn đề mới, khó, phức tạp, là những điểm nghẽn liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết đã được Quốc hội xem xét, quyết định với tỷ lệ đồng thuận tán thành cao. Kết quả trên cho thấy những nỗ lực, cố gắng rất lớn, quyết tâm cao không ngừng nghỉ của Chính phủ; các bộ ngành; trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội nỗ lực rà soát, đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách và sự nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ của các vị ĐBQH, các Đoàn ĐBQH.
- Như bà vừa chia sẻ, thì Kỳ họp thứ Tám đã giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ liên quan đến công tác lập pháp. Mặc dù vậy, Quốc hội và các cơ quan liên quan đã có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, khoa học, bảo đảm chất lượng cho công tác này?
- Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu, hàng đầu của Quốc hội. Quốc hội đã thông qua 18 Luật, 4 Nghị quyết quy phạm pháp luật, trong đó có 3 Luật thực hiện theo quy trình rút gọn thông qua tại 1 kỳ họp; luật sửa 4 Luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa 9 Luật trong lĩnh vực ngân sách để giải quyết ngay nút thắt, những bất cập, vướng mắc của các Luật; tăng cường phân cấp, phân quyền; đồng thời Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Công tác chuẩn bị, hồ sơ các dự án luật đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ kỹ lưỡng và bảo đảm chất lượng. Cá nhân tôi đánh giá rất cao việc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình các ý kiến của ĐBQH rất nghiêm túc, trách nhiệm, cầu thị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nỗ lực chuyển tải thực tiễn vào từng quyết sách
- Tại Kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tham gia vào các nội dung nghị sự và có nhiều đóng góp vào thành công chung của kỳ họp?
- Tại kỳ họp, các đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực nghiên cứu, tham gia ý kiến vào nội dung các phiên thảo luận với 39 lượt phát biểu tại tổ; 8 lượt phát biểu thảo luận tại Hội trường. Các ý kiến tham gia nghiêm túc, trách nhiệm, có nghiên cứu sâu, lập luận chặt chẽ đã thể hiện được tiếng nói của cử tri, Nhân dân, những bất cập hiện nay trong thực hiện chính sách pháp luật liên quan từ thực tiễn Quảng Ninh; nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung bảo đảm khi các Luật được ban hành sớm đi vào cuộc sống.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, đã có 2 ĐBQH trong Đoàn tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và giải pháp cho các cá nhân, tổ chức tiếp tục vay vốn sau thiệt hại bởi thiên tai mà không còn tài sản bảo đảm và việc cân bằng giữa tiếp tục cho vay với yêu cầu kiểm soát nợ xấu.
- Cùng với các ĐBQH tỉnh, bà đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, thiết thực vào các nội dung trình kỳ họp. Xin bà chia sẻ thêm về điều này?
- Từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước ở địa phương, nhất là những ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 vào địa bàn Quảng Ninh, tôi đặc biệt quan tâm, khảo sát, nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng; quy định về tiêu chuẩn các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu và cho ý kiến vào các dự án Luật trình Quốc hội.
Đơn cử, như Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tôi đã kiến nghị, cần có biện pháp, cơ chế xử lý những bất cập trong quy định về người đại diện, tổ chức được giao quản lý sử dụng di tích có địa bàn phân bố từ 2 tỉnh trở lên; đề nghị, bổ sung quy định thẩm quyền quyết định giao mặt nước, khu vực biển tại di sản thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt; quy định về trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...
Đối với Luật Địa chất và Khoáng sản, tôi quan tâm tới khoáng sản đi kèm, phân loại đối với các loại khoáng sản thông thường (như đất, đá trong khai thác than); phân nhóm khoáng sản, quy trình, thủ tục xử lý và đổ thải; quy định điều chỉnh kết quả thăm dò khoáng sản; việc lập lại Đề án cải tạo phục hồi môi trường tích hợp trong Đề án đóng cửa mỏ; quy định thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với việc công nhận chỉ tiêu tính trữ lượng nhóm III…
Cử tri Quảng Ninh rất vui khi những nội dung tham gia của các ĐBQH xuất phát từ thực tiễn đã được Cơ quan soạn thảo và các cơ quan của Quốc hội nghiêm túc xem xét, tiếp thu, chỉnh lý và giải trình, được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Hy vọng, các Luật sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật để các Luật sớm đi vào cuộc sống.
- Xin cảm ơn bà!