Cần thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sau đại dịch
Tham gia đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng: Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra đã tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ chỗ tiêm vaccine thấp, Việt Nam đã thực hiện tốt việc bao phủ vaccine và vượt lên là một trong những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Điều này càng khẳng định thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, dù đất nước gặp nhiều khó khăn song công tác an sinh xã hội vẫn luôn được bảo đảm. Đảng, Nhà nước đã kịp thời quan tâm, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả cho người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8.10.2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68.
Góp ý thêm về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng: Trong 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, lao động còn thiếu nhưng kết quả đạt được cả về tăng trưởng và thu ngân sách đều đạt rất cao, với đà này thì năm nay có thể sẽ vượt dự toán. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, Chính phủ cần có chính sách hoặc giải pháp để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp và người dân như giảm thuế suất các loại thuể.
“Tôi nghĩ đây là thời điểm vàng với thực hiện dự toán như hiện nay, đặc biệt từ nay đến cuối năm là thời điểm rất tốt cho việc triển khai chính sách tài khóa, hỗ trợ chính sách tiền tệ. Trong trường hợp lạm phát tăng cao, chúng ta sẽ miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp và người dân, điều này sẽ tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn”, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà chia sẻ.
Đồng quan điểm về vấn đề trên, ĐBQH Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh: Tình trạng người lao động thiếu và mất việc làm đang gia tăng sau đại dịch Covid-19, trong đó có một bộ phận nhỏ người dân đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện kinh tế còn hạn chế. Do vậy, rất mong Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp giúp người dân trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ; có những gói hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề. Bởi thực tế đối với những nơi điều kiện còn khó khăn, người lao động sau khi không tham gia ở các khu công nghiệp về địa phương, họ rất mong muốn được tiếp cận những nguồn vốn hỗ trợ cũng như chương trình đào tạo nghề, để họ tiếp tục có được công việc ổn định.
Ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo sự thống nhất ngay từ giai đoạn đầu
Liên quan đến việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), ĐBQH Đặng Bích Ngọc đề nghị: Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH15 về việc phân bổ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình MTQG, Chính phủ cần sớm chỉ đạo ban hành các hướng dẫn để triển khai thực hiện, tạo sự thống nhất ngay từ giai đoạn đầu triển khai, tránh trường hợp mỗi nơi thực hiện một kiểu, gây khó khăn cho việc thực hiện, nhất là ở dưới cơ sở.
“Cả 3 chương trình MTQG này được người dân rất quan tâm, mong chờ, đặc biệt là những tỉnh có điều kiện kinh tế còn khó khăn như Hòa Bình. Bởi, theo đánh giá và chuẩn nghèo đa chiều hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo có xu hướng gia tăng. Nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ, đồng bộ và không có chiến lược thống nhất từ Trung ương đến địa phương thì sẽ rất khó. Vì vậy rất mong Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, hiệu quả”, đại biểu Ngọc chia sẻ.
Về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cũng cho rằng, mặc dù đã có chủ trương đầu tư của năm 2020, 2021 cho 2 chương trình mà đến sau hơn 1 năm mới phân bổ được kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch 2022. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có giải pháp triển khai sớm các chương trình MTQG, bảo đảm đến được người dân trong thời gian sớm nhất.
Mặt khác, qua công tác thực tế nắm tình hình của cử tri và Nhân dân cho thấy, thời gian qua, thị trường tài chính, bất động sản đang có sự thay đổi khó lường, nhiều nơi giá đất tăng vọt, trong đó có cả Hòa Bình. “Việc giá đất tăng cao như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút đầu tư. Chính vì vậy, thời gian tới, mong rằng Chính phủ sẽ phân tích, đánh giá thật kĩ những nội dung này để có những giải pháp phù hợp giúp nền kinh tế phát triển, phục hồi một cách bền vững”, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị.