Sản xuất xanh trở thành mong muốn, nguyện vọng của doanh nghiệp
Tại tọa đàm “Xanh hóa” sản xuất hóa chất và phân bón - Cơ hội cạnh tranh hiệu quả cho doanh nghiệp, do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 24.10, bà Nguyễn Thanh Phương, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: Thực hiện Quyết định số 1375/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành công thương giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Công Thương đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy ngành công nghiệp nói chung, ngành hóa chất nói riêng, hướng đến phát triển bền vững.
Cụ thể, Bộ đã thực hiện điều tra và đánh giá nguồn phát sinh chất thải của các ngành công nghiệp, trong đó có ngành hóa chất; kiểm kê việc đánh giá, sử dụng phát thải chất hữu cơ, ô nhiễm khó phân hủy từ ngành hóa chất và phân bón; nhận diện rủi ro, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường từ ngành hóa chất; triển khai dự án áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ việc thực hiện tăng trưởng xanh, giảm phát thải.
Ngành hóa chất, phân bón có chất thải thạch cao phát sinh từ quá trình sản xuất. Để thực hiện Quyết định số 452/QĐ-TTg của Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, hàng năm, Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra, giám sát của các đơn vị trong ngành. Kết quả cho thấy, tại một số nhà máy, sản phẩm bã thải thạch cao phát sinh từ quá trình sản xuất đã được hợp chuẩn, hợp quy thành vật liệu xây dựng.
Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị tập trung tiến hành dự án tái chế bã thải thạch cao làm vật liệu xây dựng để triển khai trong thời gian sớm nhất; đồng thời chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để nghiên cứu dự án xử lý bã thải thạch cao thành nguyên liệu cho ngành phân bón.
Thực tế, công tác xanh hóa công nghiệp đã được triển khai tại doanh nghiệp. Đáng chú ý, ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xác nhận, nhiều doanh nghiệp không coi sản xuất xanh, bảo vệ môi trường là trách nhiệm để làm mang tính đối phó, mà đó chính là mong muốn, nguyện vọng của doanh nghiệp. Nhiều đơn vị trong tập đoàn đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, như sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu, nhiên liệu; dùng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện sinh khối).
Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất sẽ sản sinh lượng CO2. Trước đây, doanh nghiệp mới chỉ thu hồi được 20%. Hiện, tập đoàn đang triển khai thu hồi CO2, đặc biệt tại hai dự án lớn là Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc đã đầu tư để thu hồi CO2 rắn, lỏng nhằm cung cấp cho các ngành công nghiệp khác. Tập đoàn đặt mục tiêu đến 2025, các doanh nghiệp thành viên sẽ trồng cây xanh ít nhất 15% diện tích trong nhà máy, hàng năm tiết kiệm 2 – 5% tổng lượng điện tiêu thụ…
Nhờ triển khai các giải pháp xanh hóa công nghiệp, các doanh nghiệp được hưởng 3 lợi ích chính. Một là tạo môi trường sống, môi trường lao động động an lành hơn, để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, tăng năng suất lao động. Hai là tiết giảm được chi phí xử lý chất thải, mang lại lợi ích về kinh tế. Ba là nâng cao vị thế doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp doanh nghiệp phân bón làm tốt có thể xâm nhập các thị trường khó tính như EU, góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) đến năm 2050 theo cam kết của Chính phủ, ông Bộ chia sẻ.
Chủ động tiếp cận thông tin để lên phương án phù hợp
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy xanh hóa công nghiệp, song theo đại diện doanh nghiệp, quá trình này đang gặp phải nhiều rào cản.
Ông Bộ cho biết, thách thức đầu tiên là công nghệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn rất lớn. Tiếp đến là chi phí công nghệ, giá thành sản xuất sản phẩm xanh hiện còn cao, đòi hỏi có thời gian để cân bằng giữa giá thành sản phẩm xanh với sản phẩm thông thường. Thêm vào đó, cơ chế chính sách đã có song để doanh nghiệp trong ngành hóa chất tiếp cận cũng chưa thực sự rõ ràng.
Bà Phương bổ sung, do xanh hóa công nghiệp là khái niệm khá mới, vẫn chưa có định nghĩa cụ thể trong bất cứ văn bản pháp luật nào nên nhận thức về vấn đề này vẫn còn hạn chế. Cũng bởi thiếu quy định cụ thể xanh hóa là gì, thực hiện ra sao dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp trong triển khai thực hiện, đồng thời cơ chế chính hỗ trợ cũng chưa rõ.
Bên cạnh đó, để đầu tư chuyển đổi nguồn nguyên liệu đầu vào đến chuyển đổi năng lượng, áp dụng công nghệ mới đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trong khi doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và vừa sẽ rất khó khăn.
Xanh hóa công nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Muốn thúc đẩy quá trình này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, trước tiên, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nói chung, ngành hóa chất và phân bón nói riêng cần phải thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Bản thân từng doanh nghiệp cũng cần tự nghiên cứu, tính toán phương án về giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng để tìm ra bài toán tối ưu; đồng thời cần chủ động tiếp cận thông tin mới để tìm giải pháp tiếp cận nguồn đầu tư thực hiện dự án của mình, bà Phương lưu ý.
Về phía Bộ Công Thương, sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các đơn vị triển khai quy định của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có ứng phó biến đổi khí hậu, phòng ngừa và ứng phó các sự cố môi trường, tăng trưởng xanh trong ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp hóa chất, phân bón nói riêng.
Cùng đó, tập trung phát triển ngành công nghiệp môi trường. Hiện, Bộ đang phối hợp để hoàn thiện, trình Thủ tướng chương trình phát triển công nghiệp môi trường trong giai đoạn tới, trong đó có nội dung xanh hóa ngành công nghiệp. Theo đó, sẽ tập trung xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí cho sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp môi trường để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng cao ở các nước.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án xanh hóa công nghiệp đến 2030 theo Quyết định 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ đang tập trung nghiên cứu liên quan khái niệm xanh hóa công nghiệp, bộ chỉ tiêu xác định công nghiệp xanh, trong đó có ngành hóa chất, bà Phương thông tin.