Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Khắc Hoàng cho biết, xu hướng sản xuất và kinh doanh tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III.2024 đã cải thiện rõ rệt so với quý II. Theo khảo sát, 59,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh tốt lên, 25,2% giữ ổn định và chỉ 15,1% gặp khó khăn. Dự báo, quý IV.2024, 62,3% doanh nghiệp tin tình hình sẽ khả quan hơn. Các doanh nghiệp thuộc các ngành cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, cao su, nhựa đều đã có đơn hàng đến hết quý IV.2024, thậm chí một số kéo dài đến quý I.2025.
Có thể thấy, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại TP. Hồ Chí Minh đang ghi nhận những tín hiệu tích cực, đơn hàng tăng cao, tỷ lệ nội địa hóa được cải thiện, cùng với sự quan tâm và đầu tư từ các tập đoàn lớn nước ngoài, lĩnh vực này đang trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của thành phố.
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thông tin, theo kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2024 - 2025, thành phố sẽ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này thông qua các chính sách đầu tư phát triển, mở rộng thị trường, kết nối cung, cầu sản phẩm và hỗ trợ lãi suất vay vốn.
Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu, tư vấn nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất và thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghệ cao. Đổi mới sáng tạo, liên kết vùng và chuyển đổi sản xuất theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng xanh và sạch nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Thành phố cũng khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang nhà máy thông minh. Chính sách hỗ trợ bao gồm lãi suất vay lên đến 100% và vốn đầu tư tối đa 200 tỷ đồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nắm bắt xu hướng phát triển kinh tế hiện đại. Nỗ lực đưa yếu tố bền vững vào chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất sạch, tối ưu hóa nguồn năng lượng tái tạo và giảm thiểu phát thải trong quá trình sản xuất.
Các nhà máy thông minh được định hướng sử dụng công nghệ hiện đại để tiết kiệm năng lượng, tái chế nguyên liệu và giảm thiểu tác động đến môi trường. TP. Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp các tiêu chuẩn xanh vào chuỗi sản xuất, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình đổi mới và mở rộng sản xuất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp liên kết với các tập đoàn đa quốc gia, tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản trị tiên tiến. Từ đó, từng bước hiện đại hóa sản xuất trong nước, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.