Không còn là lời cảnh báo
Theo UNICEF, một nửa số học sinh ở độ tuổi từ 13 - 15 tuổi trên toàn thế giới bị bạo lực học đường. Điều này gây ảnh hưởng đến việc học tập và phúc lợi của các em ở cả các quốc gia thịnh vượng cũng như nghèo khó. Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết, giáo dục là chìa khóa để xây dựng xã hội hòa bình, tuy nhiên đối với hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới, chính trường học lại là nơi không an toàn. Mỗi ngày, học sinh đối mặt với nhiều mối đe dọa, bao gồm đánh nhau, bị ép tham gia các băng nhóm, bắt nạt cả trực tiếp và trên mạng. Về ngắn hạn, bạo lực ảnh hưởng đến việc học tập của các em, và về lâu dài bạo lực có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu và nhiều nguy cơ hơn nữa. Bạo lực là một bài học không thể quên mà KHÔNG một trẻ em nào cần học.
Ở thời đại ngày càng phát triển, nạn bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở mức độ lời nói mà nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn trong tương lai. Vì vậy, Quốc hội Pháp đã chính thức thông qua luật mới hình sự hóa về tình trạng này. Tổng cộng 86 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ luật, trong khi có hai phiếu trắng. Song các nhà phê bình đã bày tỏ lo ngại về sự cần thiết của một tội danh cụ thể đối với hành vi bắt nạt học đường. Theo đó, những người bị kết tội theo luật mới phải chịu phạt 45.000€ nếu nạn nhân của hành vi bắt nạt không thể đến trường trong tối đa 8 ngày. Bên cạnh đó, những hành vi gây ra sự cố nghiêm trọng hơn, nếu nạn nhân nghỉ học lâu hơn hoặc nếu nạn nhân tự tử hoặc cố gắng tự tử thì những kẻ gây ra có thể bị phạt tù tới 10 năm, cùng với số tiền phạt lên tới 150.000 €. Với luật mới được thông qua, Pháp là một trong những nước tiên phong áp dụng hình phạt khắc nghiệt nhất cho hành vi bắt nạt, nhất là trong trường học.
Chính phủ Pháp đã cam kết tăng cường các biện pháp chống bắt nạt học đường, mà cho đến nay chỉ có thể bị trừng phạt theo luật quấy rối. Theo các nghiên cứu gần đây, gần 1/10 học sinh bị ảnh hưởng bởi bắt nạt học đường mỗi năm ở Pháp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp Jean Michel Blanquer cho biết, dự luật này được ví như một viên đá mới được thêm vào cấu trúc làm vững vàng hơn những luật lệ do chính phủ đưa ra. Điều này gửi một thông điệp đến toàn quốc rằng, việc quấy rối không có chỗ trong trường học. Luật mới cũng sẽ đào tạo, bồi dưỡng thêm cho giáo viên để ngăn chặn bắt nạt trên sân trường, cũng như đặt ra nghĩa vụ cảnh giác đối với các công ty truyền thông xã hội để kiểm soát nội dung quấy rối.
Lan tỏa thông điệp chống bạo lực học đường
Tại trường học, việc bắt nạt có thể xảy ra đối với mọi đối tượng, kể cả những em có sự “khác biệt” so với những bạn cùng trang lứa. Tình trạng này không phải là hiếm, vì vậy các trường học cần tích cực lan tỏa thông điệp cứng rắn chống nạn bạo lực học đường.
Câu chuyện về cô bé Embla, 11 tuổi, sống tại thành phố Gostivar, Bắc Macedonia là một ví dụ. Embla không may mắn khi bị mắc bệnh Down bẩm sinh. Nhờ sự cố gắng của bản thân và gia đình mà Embla vẫn đến trường như bao trẻ phát triển bình thường cùng trang lứa. Tuy nhiên, sự “khác biệt” thiệt thòi này của Embla lại là chủ đề châm chọc của các bạn cùng lớp. Thậm chí có lúc cô bé còn bị cô lập vì bị cho rằng có xu hướng trở nên hung hăng, mặc dù thực tế Embla không hề như vậy.
Sau khi nghe tin Embla bị bắt nạt, Tổng thống Bắc Macedonia Stevo Pendarovski đã đến nhà trò chuyện với bố mẹ Embla về những vấn đề mà em và gia đình gặp phải trong cuộc sống hằng ngày cũng như trao đổi về các giải pháp khả thi. Trong một đoạn video được Văn phòng Tổng thống Bắc Macedonia đăng tải, ông Pendarovski tặng quà rồi đích thân dắt tay đưa Embla đến trường và vẫy tay chào khi cô bé bước vào lớp.
Tổng thống Stevo Pendarovski nhấn mạnh rằng, tất cả hành vi gây nguy hiểm đến quyền trẻ em đều không thể chấp nhận được, nhất là đối với những trẻ bị khiếm khuyết về thể chất và trí tuệ. Ông cũng khẳng định, trẻ em không chỉ được hưởng quyền của mình mà còn cần phải cảm nhận được sự bình đẳng và được chào đón khi tới lớp. Hành động kể trên của Tổng thống Stevo Pendarovski đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ về việc chống phân biệt đối xử và đặc biệt là chống bắt nạt học đường.
Theo UNICEF, bắt nạt học đường là lý do phổ biến nhất khiến trẻ em không thích đi học. Những học sinh thường xuyên bị bắt nạt cảm thấy như “người ngoài cuộc” ở trường học cao gấp ba lần, và khả năng nghỉ học cao gấp hai lần so với các bạn không bị bắt nạt. Nguy hiểm hơn, khi bị bắt nạt, nhiều em sẽ có suy nghĩ trả thù, kéo theo những hành động bạo lực không kiểm soát được. Trước thực trạng đó, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều sáng kiến và chỉ dẫn, trong khi các chuyên gia cũng đề xuất những giải pháp nhằm phòng ngừa, hạn chế, phát hiện sớm và kịp thời xử lý tình trạng bắt nạt nhằm tạo ra môi trường học đường thân thiện, an toàn.
UNESCO đã chọn thứ Năm đầu tiên của tháng 11 hàng năm làm Ngày quốc tế chống bạo lực và bắt nạt học đường để nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về tình trạng này. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn bạo lực học đường cũng cần được bắt đầu từ mỗi gia đình. Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), khi phát hiện tình trạng con bị bắt nạt, cha mẹ nên trò chuyện với con để hiểu rõ chuyện gì đang thực sự diễn ra, giúp trẻ xử lý tình huống nếu chuyện đó tái diễn, và trong trường hợp nghiêm trọng hơn, phải yêu cầu nhà trường, thậm chí cảnh sát can thiệp.