Người tổ chức xây dựng Lễ đài Độc lập

Đạo diễn điện ảnh, NSND Phạm Văn Khoa (1914 - 1992) có vinh dự đặc biệt khi được giao nhiệm vụ tổ chức xây dựng Lễ đài Độc lập để Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào, nơi Người đã đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2.9.1945.

Nhiệm vụ đặc biệt và cấp bách

Nhiệm vụ đặc biệt được giao vào sáng sớm ngày 1.9.1945. “Không thể trì hoãn được, nhất định ngày mai bảy đến tám giờ là phải xong chu tất rồi” (trang 72, Hồi ký Phạm Văn Khoa, NXB Hội Nhà văn, 2010).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2.9.1945 - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2.9.1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vốn là người nhạy bén, quảng giao có tiếng, ông Phạm Văn Khoa đã lập tức lên kế hoạch tổ chức xây dựng lễ đài để đáp ứng được yêu cầu cấp bách: “Công việc đầu tiên tôi phải tìm ngay kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh nói rõ yêu cầu của cấp trên… Tôi hẹn khoảng chín giờ tôi đến lấy bản vẽ”. Rồi ông cũng kịp gặp bác Quyến thợ mộc ở phố Hàng Hành để cùng tiến hành công việc. “Đúng chín giờ tôi đến, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đưa cho tôi ba bản vẽ lễ đài khác nhau tùy tôi chọn, tôi chọn kiểu lễ đài giản đơn nhất và theo ý tôi vừa dễ làm, vừa mỹ thuật hơn hai bản vẽ kia”.

Qua Hồi ký Phạm Văn Khoa, có thể thấy không khí khẩn trương, tích cực, lòng yêu nước nhiệt thành của những người tham gia xây dựng Lễ đài. “Tôi lại đến các đồng chí trong Hội truyền bá Quốc ngữ nói rõ yêu cầu của cấp trên và dặn anh em mỗi người mang đi một cái búa để làm việc. Đồng chí Trần Duy Hưng cho mượn một xe camiong để đi chở gỗ, chiếc xe con của tòa báo Cờ Giải phóng tôi đi mượn vải và liên lạc với công trường dựng lễ đài ở khu Ba Đình”.

Thật xúc động khi sau 79 năm đọc lại những dòng ông viết về lòng dân đối với cách mạng:“Công việc tiến hành rất thuận lợi vì đến đâu cũng sẵn sàng ủng hộ cách mạng. Xưởng gỗ muốn lấy thứ gì cũng có, ở phố Hàng Đào kể cả những hiệu vải người Ấn Độ cũng rất vui vẻ muốn lấy vải gì cũng có” (trang 73). Những con người yêu nước đã một lòng xây dựng lễ đài với tình thân đồng bào, đồng chí ruột thịt, giao hòa quý mến. “Tôi dặn các anh em thợ mộc nên hết sức đắn đo, cái gì cần phải cưa cắt cùng lắm mới phải cưa cắt, đừng phá vụn gỗ của người ta”.

Họ đã cùng nhau làm thâu đêm, mấy chục anh em ở Hội truyền bá Quốc ngữ chịu trách nhiệm đóng vải quanh lễ đài. “Đến khoảng ba giờ sáng tôi ra kiểm tra thì hình thù lễ đài đã gần xong, còn thiếu cái đỉnh hương, tôi nghĩ dù có mượn được cái đỉnh đồng to nhất ở ngôi đình, chùa nào mà đem bày trước lễ đài cũng thấy lọt thỏm và không hợp. Tôi lại nói với bác thợ mộc Quyến đóng bằng gỗ theo kiểu kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh vẽ. Làm xong đến đâu các gỗ, vải lại xếp gọn gàng lên xe…”.

Nhiệm vụ đặc biệt đã hoàn thành vào rạng sáng ngày 2.9.1945. Mọi người nóng lòng chờ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời.

Thời khắc lịch sử linh thiêng

Không khí Quảng trường Ba Đình trong thời khắc lịch sử linh thiêng ngày 2.9.1945 được NSND Phạm Văn Khoaghi lại: “Từ sáng các đoàn thể quần chúng đã kéo tới Ba Đình, hàng ngũ chỉnh tề để chờ đón Chính phủ lâm thời ra mắt. Tất cả nóng lòng chờ đợi, bỗng nhiên mọi người hướng cả về lễ đài - Hồ Chủ tịch và các vị trong Chính phủ đã đến - Nhiều người mới nhìn thấy Hồ Chủ tịch từ xa đã cảm động khóc” (trang 74).

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc cùng đạo diễn Phạm Văn Khoa (người thứ 2 từ phải qua) - Ảnh: Tư liệu gia đình
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc cùng đạo diễn Phạm Văn Khoa (người thứ 2 từ phải qua). Ảnh: Tư liệu gia đình

Đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoalà Giám đốc đầu tiên (1953 - 1956) của Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147-SL thành lập ngày 15.3.1953. Ông cũng là Giám đốc đầu tiên của Xưởng phim truyện Việt Nam (1953 - 1960). Ông từng là Chủ nhiệm báo Cờ Giải phóng, Chủ nhiệm báo Sự thật. Ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007) với các tác phẩm điện ảnh: Lửa trung tuyến, Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Kén rể, Khôn dại, Sau cơn bão. Ông có con gái út nối nghiệp là đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang.

Đọc những dòng hồi ký nhất mực giản dị, chân thành của Phạm Văn Khoa, có thể cảm nhận sâu sắc lòng dân nước Việt lúc đó, hơn 20 triệu người như một, tin tưởng sắt son vào sự Lãnh đạo của Cách mạng, của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Lúc đó tôi có trong tay khẩu súng lục nhỏ cỡ đạn 7/65. Tôi cảm thấy sức mạnh của toàn dân, tôi bắn không giỏi nhưng lòng tin trong tôi hết sức mãnh liệt. Tôi sẵn sàng hi sinh ngay nếu có kẻ nào xâm phạm đến nền Độc lập của dân tộc Việt Nam”.

Năm 1945, Phạm Văn Khoa là một trí thức trẻ tuổi vừa bước qua tuổi 32, ông vinh dự được Đảng giao nhiệm vụ đặc biệt và đã xuất sắc hoàn thành việc xây dựng Lễ đài Độc lập cùng những người đồng chí, người dân Hà Nội. Ông cũng là một trong triệu triệu người dân Việt Nam chứng kiến một kỷ nguyên mới bắt đầu của toàn dân tộc trong buổi sáng ngày 2.9.1945, được cùng toàn dân nghe tiếng nói ấm áp, bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hô vang lời thề độc lập. “Khi nghe Hồ Chủ tịch hỏi: - Tôi nói đồng bào nghe có rõ không? Thì tự nhiên vang lên tiếng đáp lại: - Thưa rõ ạ! Câu hỏi đơn giản của Hồ Chủ tịch đã chiếm được lòng dân, tất cả đều cảm thấy thân mật và gần gũi, cái không khí thật là mới”(trang 75).

Phạm Văn Khoa đến với Đảng từ năm 1942 qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, báo chí tiến bộ của các nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu thời bấy giờ như nhà văn hóa Đặng Thai Mai, nhà viết kịch Thế Lữ, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, nhà báo Lê Hữu Kiều, Thôi Hữu… Ông bộc bạch chân tình: “Năm ấy tôi được sinh hoạt Đảng. Trước tôi vẫn sinh hoạt Việt Minh ở ban cổ động của Hội truyền bá Quốc ngữ. Một hôm anh Tâm là em ruột của đồng chí Phúc Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ở Yên Bái có ý định tổ chức tôi vào Đảng Dân chủ. Tôi trả lời: - Tôi đã đọc các báo bí mật Cờ Giải phóng, Hồn nước và Cứu Quốc, tôi biết trong mặt trận Việt Minh có Đảng Cộng sản. Nếu tôi có vào Đảng thì tôi xin vào Đảng Cộng sản chứ không vào Đảng Dân chủ”(trang 61).

Sau ngày 2.9.1945 lịch sử, Phạm Văn Khoa được đồng chí Trường Chinh giới thiệu vào Bắc Bộ phủ giúp việc cho Bác Hồ do giỏi tiếng Trung Hoa và tiếng Pháp. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông nhiều lần được công tác kề cận bên Bác, được Người ân cần trực tiếp chỉ bảo, dạy dỗ. “Ông là một người được Bác Hồ hết sức yêu quý. Mỗi lần đến thăm ngành điện ảnh, một trong những câu đầu tiên Bác hỏi là: “Chú Khoa đâu?’(Phạm Viết Đào, báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 14.11.1992). Nhà báo Thép Mới thì viết ông là người “Sống hết mình vì cách mạng và nghệ thuật” (báo Nhân Dân số ra ngày 28.10.1992).

Văn hóa

Quảng bá sơn mài Việt Nam tại Pháp
Văn hóa - Thể thao

Quảng bá sơn mài Việt Nam tại Pháp

Tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đang diễn ra Triển lãm Tranh, sản phẩm sơn mài. Hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và các đơn vị tổ chức.

Mang rạp chiếu bóng đến với đồng bào vùng biên
Văn hóa

Mang rạp chiếu bóng đến với đồng bào vùng biên

Đều đặn nhiều đêm hè đã hàng chục năm nay, bà con đồng bào nơi biên giới đều háo hức chờ đợi buổi xem phim cùng cả bản làng, được mang đến bởi đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Văn hoá và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình sau chặng đường dài ngược lên với đại ngàn.

Vở múa "Nàng Mây"
Văn hóa

Giữ bản sắc trong thế giới nghệ thuật hội nhập

Phản ánh chân thực, sinh động không gian, văn hóa truyền thống của nhiều cộng đồng, dân tộc, cuộc sống nhiều màu sắc tại các vùng miền, biên đạo múa NGUYỄN HẢI TRƯỜNG (Học viện Múa Việt Nam) mong muốn thể hiện đậm nét bản sắc Việt Nam qua góc nhìn của người trẻ.

Miền biên viễn - “nhịp đập trái tim nghệ thuật”
Văn hóa - Thể thao

Miền biên viễn - “nhịp đập trái tim nghệ thuật”

Với họa sĩ Đỗ Đức, miền biên viễn không chỉ là một địa danh, mà còn là “nhịp đập trái tim nghệ thuật”. Dành cả cuộc đời để khám phá và khắc họa vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của dải biên thùy vô cùng yêu quý này, qua tác phẩm của mình, ông đã kể những câu chuyện về núi rừng, về con người và cuộc sống nơi đây.

“Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Văn hóa - Thể thao

“Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy những nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, những ngày qua, nhiều văn nghệ sĩ, bằng các cách làm khác nhau, cùng hướng về đồng bào vùng bão lũ.

Người “tái sinh” những gốc tre già
Văn hóa

Người “tái sinh” những gốc tre già

Với nụ cười thân thiện, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ kể về hành trình làm nghề điêu khắc gốc tre; vừa nói, đôi bàn tay ông thoăn thoắt dùi, đục, như muốn chứng minh rằng từ những gốc tre bị bỏ đi, dưới bàn tay sáng tạo có thể “tái sinh” thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa Việt Nam.

Bảo vật phương Đông, danh viên Bắc Kinh
Văn hóa

Bảo vật phương Đông, danh viên Bắc Kinh

Hàng trăm bức ảnh về 11 khu vườn lịch sử nổi tiếng ở Bắc Kinh và Bảo tàng vườn Trung Quốc đang được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long, nằm trong chương trình hợp tác văn hóa giữa thành phố Hà Nội và thành phố Bắc Kinh.