“Người trong một nước phải thương nhau cùng”

“Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy những nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, những ngày qua, nhiều văn nghệ sĩ, bằng các cách làm khác nhau, cùng hướng về đồng bào vùng bão lũ.

Kết nối và chia sẻ

“Khi tai họa ập xuống, người hứng chịu nhiều khổ đau và mất mát bao giờ cũng là người mẹ trong gia đình. Suy nghĩ đó làm tôi xúc động nghĩ tới người nữ và muốn ngợi ca những bà mẹ với vẻ đẹp như những bông hoa của tình yêu”. Họa sĩ Công Quốc Hà chia sẻ về bức tranh “Những đóa hoa của tình yêu” được ông tặng để bán ủng hộ đồng bào miền Bắc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ.

“Những đóa hoa của tình yêu”, Acrylic on canvas, 2024, Công Quốc Hà

“Những đóa hoa của tình yêu”, Acrylic on canvas, 2024, Công Quốc Hà

Chỉ sau 10 phút đăng tải trên mạng xã hội, “Những đóa hoa của tình yêu” của họa sĩ Công Quốc Hà đã được một nhà sưu tập Việt Nam đang công tác ở nước ngoài mua. “Tôi tự nguyện để mức giá thấp hơn bình thường với ý nghĩ giúp các nhà hảo tâm dễ dàng tiếp cận và đồng hành với chúng tôi góp phần nhỏ trong công việc cứu trợ đang được toàn dân ta thực hiện”.

Họa sĩ Công Quốc Hà là một trong những gương mặt thành danh của mỹ thuật Việt Nam đương đại, có nhiều triển lãm ở trong và ngoài nước. Ông nổi tiếng với các tác phẩm sơn mài về phố Hà Nội. Ông yêu từng góc phố, hàng cây nơi đây. Vì thế, hậu quả mà cơn bão Yagi để lại đối với Thủ đô Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố phía Bắc nói chung, khiến ông xót xa.

Bức tranh được vẽ giữa dồn dập thông tin về hậu quả khủng khiếp của bão lũ. Họa sĩ tin rằng, mẹ và tình yêu của mẹ sẽ giúp ta vượt qua mọi khó khăn, tai ương. “Số tiền thu được từ bức tranh có thể không lớn, nhưng là tấm lòng của chúng tôi, cả họa sĩ và người sưu tập, với mong muốn tiếp thêm động lực để người dân vùng bão lũ kiên cường, mạnh mẽ khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống”.

“Những đóa hoa của tình yêu” là một trong rất nhiều tác phẩm hưởng ứng sáng kiến của CLB Quán vẽ nhằm chung tay làm dịu đau thương, mất mát của đồng bào miền Bắc, thể hiện tấm lòng nghĩa tình “người trong một nước phải thương nhau cùng”. “Xót xa quá khi nhìn Nhân dân oằn mình trong cơn bão rồi tới những trận lũ lụt kinh hoàng. Có thể đóng góp cho dân mình đang gặp khó khăn cũng là một niềm hạnh phúc lớn lao lắm lắm”, họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương nói về việc góp tranh cho hoạt động này.

Từ Đà Lạt, họa sĩ Đình Đức đóng góp bức tranh “Sen” mới sáng tác như một món quà nhỏ từ thành phố ngàn hoa. “Tôi chọn bức tranh này bởi hoa sen không chỉ thể hiện sự tinh khiết, thanh cao mà còn tượng trưng cho sự kiên cường, bền bỉ. Tôi muốn truyền tinh thần ấy đến với đồng bào phía Bắc”.

“Như cái tên, Quán vẽ mang ý nghĩa là nơi bất kỳ ai cũng có thể lui tới, được chào đón để cùng nhau cầm bút và vẽ lên cảm xúc của chính mình. Quán vẽ còn là nơi thể hiện sự ấm áp, chân tình và đoàn kết. Chúng tôi đến đây để cộng hưởng, lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến cộng đồng và mang lại giá trị trong cuộc sống. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, Quán vẽ kết nối các họa sĩ với nhà sưu tầm chung tay ủng hộ đồng bào vùng lũ. Toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động này sẽ gửi tới đồng bào bị thiệt hại”, họa sĩ Phạm Thơm, phụ trách CLB Quán vẽ, cho biết.

“Tấm lòng là chính”

Không chỉ Quán vẽ hay giới họa sĩ, những ngày qua rất nhiều văn nghệ sĩ đã ủng hộ và lan tỏa tới mọi người tinh thần sẻ chia với đồng bào vùng bão lũ. Có người trực tiếp tham gia các đoàn cứu trợ, nhưng phần lớn đóng góp qua Ban Cứu trợ Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam… để phân bổ hợp lý và cứu trợ đúng cách.

"Sen", màu nước, 2024, Nguyễn Đình Đức

"Sen", màu nước, 2024, Nguyễn Đình Đức

Trước tình trạng “còn rất nhiều tấm lòng hảo tâm muốn sẻ chia nhưng không thể đi trực tiếp; muốn đóng góp nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu”, trên trang cá nhân, NSND Xuân Bắc giới thiệu 2 tổ chức mà anh cho là “cực kỳ uy tín, minh bạch, sẵn sàng thay mặt mọi người kết nối tình cảm của mình tới những hoàn cảnh đang phải gánh chịu thiệt hại bởi thiên tai”. Đó là Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Anh cũng kêu gọi mọi người chung tay chia sẻ để sau lũ nhiều trẻ em được quan tâm chăm sóc, nhiều ngôi nhà được xây mới, nhiều cây cầu được nối nhịp, nhiều ngôi trường được sửa chữa, nhiều đoạn đường được khai thông… “Cứu trợ bây giờ cần ngay và... công việc tái thiết cũng vô cùng quan trọng!”, NSND Xuân Bắc viết.

Hoa hậu H'Hen Niê thì chia sẻ không khí người dân Đắk Lắk quê cô đang hết mình chung tay chia sẻ với đồng bào miền Bắc. Ai có vật phẩm gì hỗ trợ được thì mang đến tập hợp tại Nhà khách Công đoàn tỉnh để sau đó chuyển tới bà con các khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ. “H’Hen tự hào và hạnh phúc khi gia đình và bà con trong buôn làng chia sẻ những gì nhà mình có và cảm thấy ấm áp khi mọi người chung tay sẵn sàng giúp đỡ nhau. Tấm lòng là chính. Hy vọng những chia sẻ này có thể được lan tỏa đến mọi người và phần nào đó an ủi tinh thần bà con vùng bão lũ”.

Văn hóa - Thể thao

Hành trình từ tín đồ thời trang đến CEO: Jacqueline Tiên Nguyễn tỏa sáng tại Milan & Paris Fashion Week 2024
Văn hóa - Thể thao

Hành trình từ tín đồ thời trang đến CEO: Jacqueline Tiên Nguyễn tỏa sáng tại Milan & Paris Fashion Week 2024

Tuần lễ Thời trang Milan & Paris trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết với sự góp mặt của Jacqueline Thảo Tiên Nguyễn trên cương vị mới - CEO của DAFC. Hơn nữa, Jacqueline Tiên Nguyễn còn đồng hành cùng Marie Trâm Anh và Ashleigh Huỳnh càng làm tăng thêm sức hút của bộ ba mỹ nhân Việt.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.

 Thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch trong kỷ nguyên số
Văn hóa - Thể thao

Thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch trong kỷ nguyên số

Chuyển đổi số không chỉ giúp ngành văn hóa và du lịch Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện tại mà còn là một bước đi quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai. Thời gian qua, ngành văn hóa và du lịch đã tích cực hòa nhập xu thế số hóa toàn cầu, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này vẫn là nhiệm vụ cấp thiết và đầy khó khăn, thách thức.