Miền biên viễn - “nhịp đập trái tim nghệ thuật”

Miền biên viễn - “nhịp đập trái tim nghệ thuật”

Với họa sĩ Đỗ Đức, miền biên viễn không chỉ là một địa danh, mà còn là “nhịp đập trái tim nghệ thuật”. Dành cả cuộc đời để khám phá và khắc họa vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của dải biên thùy vô cùng yêu quý này, qua tác phẩm của mình, ông đã kể những câu chuyện về núi rừng, về con người và cuộc sống nơi đây.

Kết nối thiên nhiên với con người

“Tôi vẽ núi là vẽ nhà của tôi, nơi tôi được sinh ra, cũng là gần 40 năm làm việc, tôi chỉ quanh quẩn ở núi rừng. Rừng núi là nơi tôi am hiểu hơn cả, tôi chỉ vẽ những gì mình hiểu, đấy là lý do phòng tranh chuyên đề của tôi chỉ toàn núi và đá” - họa sĩ Đỗ Đức chia sẻ nhân dịp tổ chức triển lãm “Non nước biên thùy" tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (từ ngày 11 - 15.9). Sau nhiều triển lãm như “Miền núi và dân tộc" (1986), gần nhất là “Cao nguyên đá" (2012) và "Ngựa trên núi" (2014)… dịp này, hơn 50 tác phẩm sơn dầu được lựa chọn trưng bày, từ trên 200 tranh được sáng tác gần 20 năm qua, chủ yếu là phong cảnh rẻo cao phía bắc Tổ quốc ta.

Trước đó, họa sĩ chủ yếu vẽ trên giấy dó và tranh khắc gỗ, và gần 20 năm qua, ông có điều kiện vẽ sơn dầu, tuy nhiên, đề tài phong cảnh thiên nhiên, con người miền núi phía Bắc vẫn luôn chiếm lĩnh. Từ lần đầu lên Hà Giang năm 1973 và trở đi trở lại miền biên viễn, từ Tây Bắc đến Việt Bắc, Đông Bắc, ra khỏi Hà Nội là lên các huyện miền núi, với họa sĩ Đỗ Đức, suối sâu, đèo dốc, những đoạn đường gập ghềnh quanh co đều gần gũi. Tìm hiểu và chia sẻ với đời sống các dân tộc thiểu số, ông nhận ra nhiều giá trị nhân văn kết nối giữa thiên nhiên với con người.

bvc1.jpg
Họa sĩ Đỗ Đức chia sẻ về tác phẩm "Huyền thoại Khau Vai". Ảnh: Ng. Phương

“Núi và đá dày đặc ở vùng biên cương xa xôi hẻo lánh, với ai đó có thể xa lắm, nhưng với tôi, rừng núi là ngôi nhà xanh, nơi không chỉ cho khí trời trong lành mà còn là kho thực phẩm khổng lồ, với nhiều hoa thơm trái ngọt, cỏ cây, lá thuốc và muôn loài sinh vật từ côn trùng đến chim chóc, muông thú. Khi đến cao nguyên đá tôi lại thêm một nhận thức mới, đá không khô khan như người ta nghĩ, đá che trở, nâng giấc con người trong cuộc sống, từ bức tường rào, vách nhà, cho đến giữ lại những nắm đất nhỏ nhoi cho con người trồng cây ngô, dây bí, khóm dưa, hạt đậu. Khởi đầu yêu thiên nhiên từ tinh thần thơ ca văn học, đến cuộc sống trên thực địa thì những hiểu biết thấm vào máu và trào ra hội họa, tôi đã vẽ núi, đá, vẽ con người bằng những tình yêu như thế” - họa sĩ Đỗ Đức chia sẻ thêm.

Tìm về trữ lượng văn hóa của vùng đất

Có thể ngồi hàng ngày trên cao nguyên đá để ngắm biển đá mênh mông hai bên đường vào Khau Vai, Mèo Vạc, Lũng Phìn, Lũng Táo, Phó Là… họa sĩ Đỗ Đức nhìn thấy ở đó những câu chuyện lịch sử, những dấu ấn của thời gian; ông kể, tác phẩm “Huyền thoại Khau Vai” được hình thành khi ông ngồi bên nương đá. Trước đó, đã có nhiều họa sĩ vẽ chợ Khau Vai, mà ngày nay quen gọi là “chợ tình” vào ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm. “Tôi nghĩ cách biểu hiện về huyền thoại Khau Vai, nhưng chưa biết làm như thế nào. Một hôm vẽ bãi đá lổn nhổn, tôi thấy chỗ giống con vật, chỗ giống hai người chụm lại trò chuyện, có chỗ giống người đang ngẩn ngơ ngồi một mình… Tôi vỡ ra rằng, đây là huyền thoại Khau Vai, “những mối tình hóa đá”, đúng tinh thần của câu chuyện chợ Khau Vai”.

Nhân dịp triển lãm “Non nước biên thùy", Art-talk giao lưu giữa họa sĩ và công chúng sẽ diễn ra vào 9h ngày 14.9. Tại sự kiện này, họa sĩ Đỗ Đức sẽ đấu giá 1 tác phẩm để lấy tiền ủng hộ Quỹ xây trường học “Hoa của đá”; quỹ này đã được duy trì nhiều năm và làm được 41 lớp học tại các bản vùng sâu.

Hay với bức tranh về bản Tìa Cu Sì (bãi phân dê), họa sĩ đã đi ngược thời gian để hiểu gốc gác đó là đất của người Lô Lô sống và chăn nuôi dê. Khi vẽ, ông cố gắng tái tạo thành không gian hoang sơ, trầm mặc của vùng đất thời mới hình thành. Một cách nhìn hướng về dân tộc học, dù vẫn là tác phẩm hội họa chứ không phải làm tiêu bản cho nghiên cứu khoa học, nhưng hồn cốt của mảnh đất có lịch sử con người khai phá thì ta biết càng nhiều càng tốt, và vì thế tác phẩm có tiếng nói nhân bản về vùng đất đó sâu sắc hơn…

Họa sĩ Đỗ Đức quan niệm, cần có “trữ lượng văn hóa” mới thấy hết được cái hay của một vùng đất. Thời gian làm việc với các công trình nghiên cứu về văn hóa miền núi phía Bắc đã làm nền tảng cho các tác phẩm của ông. “Khi làm nghề biên tập, đọc bản thảo, trao đổi với tác giả những điều mình hiểu và chưa hiểu, nhiều giá trị văn hóa ngấm vào mình trên con đường “cưỡng bức”, nhưng cưỡng bức ấy lâu dài lại có giá trị. Nếu bây giờ có một loạt hoa văn các dân tộc trộn lẫn, tôi có thể nhặt ra hoa văn của từng dân tộc…”.

Theo Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Vi Kiến Thành, họa sĩ Đỗ Đức sáng tác liên tục, không ngừng nghỉ trong hơn nửa thế kỷ qua. Ông đã chọn thể hiện vùng đất miền núi phía Bắc, con người miền biên thùy; ông đã xây dựng tác phẩm với những tình tiết, sự rung động sâu sắc với ngọn cỏ, hàng cây, mái nhà thấp thoáng dưới những rặng núi lam chiều mờ sương, mây trắng, những con người miền núi cương trực, mạnh mẽ... Họa sĩ có những tác phẩm mà ở đó người xem thấy được hơi thở, tâm hồn, văn hóa của đồng bào miền núi, các dân tộc ít người…

“Với tôi, non nước biên thùy vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ, lại vừa hoang vắng và đầy hiểm họa. Tôi mới chỉ thể hiện được rất ít cảm nhận của mình về miền đất mênh mông ấy qua tranh vẽ. Tôi cũng biết dù có dốc hết tâm lực thì cũng chỉ ghi lại được một phần quá nhỏ bé. Tôi chỉ đưa ra những cảm nhận của mình trong hơn nửa thế kỷ sống và vẽ, âm thầm trao tình cảm của mình với núi rừng qua tranh, để người yêu nghệ thuật cùng chia sẻ” - họa sĩ Đỗ Đức bày tỏ.

Văn hóa - Thể thao

'Mỏ vàng' của truyện tranh
Văn hóa

'Mỏ vàng' của truyện tranh

Thị trường truyện tranh ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, từ thể loại tới nội dung. Nhiều tác giả không chỉ đầu tư làm cốt truyện, nét vẽ mà còn chú trọng khai thác chất liệu văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc…

Giải vô địch võ cổ truyền quốc gia năm 2024: Số người tham dự đông nhất từ trước đến nay
Văn hóa - Thể thao

Giải vô địch võ cổ truyền quốc gia năm 2024: Số người tham dự đông nhất từ trước đến nay

Hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và hướng tới Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về Thể thao và các Hội nghị liên quan tổ chức tháng 10.2024 tại Việt Nam, từ ngày 17 – 25.9, Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia năm 2024 được tổ chức tại tỉnh Gia Lai. Đây là sự kiện thể dục thể thao có ý nghĩa quan trọng được tổ chức thường niên, duy trì đến nay là 33 năm.

Triển lãm tranh lụa "Tằm"
Văn hóa

Triển lãm tranh lụa "Tằm"

"Tằm" là tên gọi triển lãm thứ 2 của Kén Lab, với ý nghĩa là sự nối tiếp cho hành trình học hỏi, phát triển tốt đẹp của nhóm đối với nghệ thuật vẽ tranh lụa truyền thống.

Hà Nội - Những tháng năm...
Văn hóa

Hà Nội - Những tháng năm...

Đêm nhạc "Hà Nội - Những tháng năm..." diễn ra vào 20 giờ ngày 20.9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ đưa khán giả trở về những dấu ấn lịch sử hào hùng và vẻ đẹp lãng mạn của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Cộng hưởng điện ảnh và du lịch
Văn hóa

Cộng hưởng điện ảnh và du lịch

Điện ảnh truyền tải những hình ảnh đẹp về đất nước, con người, cảnh quan; du lịch giúp khách quốc tế trực tiếp trải nghiệm những gì họ đã thấy trên màn ảnh. Kết nối màn ảnh và điểm đến, Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển của hai ngành công nghiệp văn hóa này.

Quảng bá sơn mài Việt Nam tại Pháp
Văn hóa - Thể thao

Quảng bá sơn mài Việt Nam tại Pháp

Tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đang diễn ra Triển lãm Tranh, sản phẩm sơn mài. Hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và các đơn vị tổ chức.

Mang rạp chiếu bóng đến với đồng bào vùng biên
Văn hóa

Mang rạp chiếu bóng đến với đồng bào vùng biên

Đều đặn nhiều đêm hè đã hàng chục năm nay, bà con đồng bào nơi biên giới đều háo hức chờ đợi buổi xem phim cùng cả bản làng, được mang đến bởi đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Văn hoá và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình sau chặng đường dài ngược lên với đại ngàn.

Vở múa "Nàng Mây"
Văn hóa

Giữ bản sắc trong thế giới nghệ thuật hội nhập

Phản ánh chân thực, sinh động không gian, văn hóa truyền thống của nhiều cộng đồng, dân tộc, cuộc sống nhiều màu sắc tại các vùng miền, biên đạo múa NGUYỄN HẢI TRƯỜNG (Học viện Múa Việt Nam) mong muốn thể hiện đậm nét bản sắc Việt Nam qua góc nhìn của người trẻ.