Trò chuyện đầu tuần

Tạo góc nhìn mới, hấp dẫn cho xiếc Việt

Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2024 hội tụ gần 100 nghệ sĩ, trong đó có nhiều nghệ sĩ trẻ, cống hiến cho khán giả nhiều màn trình diễn đặc sắc; từ kết quả cuộc thi, NSND TỐNG TOÀN THẮNG, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chia sẻ về tiềm năng hứa hẹn của nghệ thuật xiếc Việt.

Đón chờ một thế hệ diễn viên tài năng

- Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc được tổ chức với mục tiêu góp phần tôn vinh nghệ thuật xiếc, các đơn vị, cá nhân nghệ sĩ, diễn viên có đóng góp tích cực đối với sự phát triển sân khấu xiếc chuyên nghiệp Việt Nam. Với tư cách Chủ tịch Hội đồng giám khảo, ông nhận định thế nào về Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2024?

NSND Tống Toàn Thắng. Ảnh: NVCC
NSND TỐNG TOÀN THẮNG, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam

- So với những lần trước, cuộc thi năm nay quy mô lớn hơn, cho thấy sự đổi mới của nghệ thuật xiếc Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới. Cuộc thi đã hội tụ được nhiều thể loại tiết mục đa dạng, phong phú như: đạp trống “Tiếng vọng miền sơn cước”, đu quăng lưới bật đạp người, dạy thú tổng hợp “Phiên chợ Ba Tư” của Trường trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; đế trụ trên đu, vòng xoay mạo hiểm đôi, “Những anh nuôi vui tính” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Có những sáng tạo trong dàn dựng như dây lụa “Nỗi oan Thị Kính” (Trường trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam); dây da đôi, lắc vòng trên cao (Nhà hát Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội); tung hứng tập thể (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam)…

Có thể thấy, sự đầu tư của thí sinh, phong cách biểu diễn, cũng như sự sáng tạo trong từng tiết mục gây bất ngờ cho Ban giám khảo và khán giả, làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn, cách nghĩ về xiếc. Nghệ sĩ thử nghiệm cái mới, tạo ra sức hấp dẫn đối với người xem trong các đêm thi...

Tôi cho đây là tín hiệu rất tốt đối với ngành xiếc Việt Nam. Chúng ta chuẩn bị đón chờ một thế hệ mới, thế hệ diễn viên trẻ tài năng biết tận dụng cơ hội của công nghệ, sự hội nhập của đất nước để có những phần trình diễn đặc sắc.

- Sự sáng tạo, hấp dẫn này có đồng đều giữa các nghệ sĩ, tác phẩm dự thi không, thưa ông?

- Những đơn vị được đầu tư, có định hướng thì tiết mục rất phong phú, khác biệt. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, đâu đấy vẫn còn đơn vị chưa đầu tư nhiều và tiết mục mang tính truyền thống, chưa có tìm tòi sáng tạo, kỹ thuật chưa cao nên chưa thể hiện được hết năng lực diễn viên.

Đạp trống “Tiếng vọng miền sơn cước” giành giải Nhất Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2024
Đạp trống “Tiếng vọng miền sơn cước” giành giải Nhất Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2024

Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng sau cuộc thi, từ việc được so sánh, cọ xát và học hỏi lẫn nhau, mỗi đơn vị đưa ra giải pháp, cách tiếp cận mới để diễn viên, nghệ sĩ được thử sức, khám phá những tiết mục mới, từ đó có phần trình diễn vừa kỹ thuật vừa có tính giải trí cao. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao trình độ nghề nghiệp.

- Mỗi cuộc thi được coi như một dịp kiểm đếm nhân lực của ngành. Từ cuộc thi năm nay, ông thấy nhân lực ngành xiếc hiện nay ra sao?

- Ban giám khảo khá ngạc nhiên vì nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ mới xuất hiện, sáng tạo trong trình diễn, hứa hẹn nhiều tiềm năng. Chúng tôi gửi niềm tin vào các nghệ sĩ trẻ bởi họ là niềm hy vọng của nghệ thuật xiếc Việt Nam, và cũng quan tâm đặc biệt, đồng hành với các nghệ sĩ, truyền lửa đam mê, tình yêu nghề. Tôi hy vọng, với sức trẻ, sáng tạo của các nghệ sĩ, sự định hướng của các thế hệ đi trước, đặc biệt là lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phối hợp, đoàn kết, sẽ nâng tầm xiếc Việt Nam.

Mấu chốt là chế độ đãi ngộ

- Để tạo cơ hội biểu diễn, duy trì lòng yêu nghề cho diễn viên, nâng tầm xiếc Việt, cốt lõi vẫn là khán giả. Thế nhưng, so với các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, xiếc hiện nay khó thu hút công chúng. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nói như vậy chỉ đúng ở khía cạnh nào đó. Những năm gần đây, thực sự chúng tôi đã thay đổi cách nhìn nhận của khán giả đối với nghệ thuật xiếc. Chúng tôi có chiến lược, giải pháp mở rộng đối tượng khán giả đến với xiếc, không chỉ thiếu nhi, mà nhiều đối tượng khán giả, ở các lứa tuổi khác nhau. Chúng tôi cũng không chờ khán giả đến rạp, mà có cách tiếp cận, tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu khán giả. Điều này rất quan trọng, bắt buộc đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo, người lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược về mặt nghệ thuật, kinh tế. Trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa, mỗi sản phẩm sáng tạo ra phải có nơi tiêu thụ, được mọi người đón nhận, yêu quý, tạo nên thành công.

Đón chờ một thế hệ diễn viên tài năng
Đón chờ một thế hệ diễn viên tài năng

Không chỉ chinh phục khán giả trong nước, nghệ thuật xiếc Việt đã phần nào tạo màu sắc riêng, phong cách trên trường quốc tế: ngoài yếu tố kỹ thuật còn tăng yếu tố giải trí, chú trọng âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu, trang phục, vũ đạo... Qua đó cũng cho thấy, xiếc có thể dễ dàng đến với khán giả thế giới. Nếu linh hoạt kết hợp xiếc cùng các loại hình nghệ thuật khác thành một chương trình đậm bản sắc Việt Nam, sẽ tạo nên một sản phẩm văn hóa - du lịch giá trị.

- Ngoài nỗ lực của các nghệ sĩ và đơn vị xiếc, theo ông, còn những vấn đề gì cần giải quyết, để nghệ thuật xiếc Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn?

- Thực ra khó khăn lâu nay là chế độ đãi ngộ. Đặc thù nghệ sĩ xiếc rất vất vả, lao động cường độ cao nhưng đầu ra khi tốt nghiệp trường xiếc hiện chỉ là trung cấp. Mức lương khởi điểm của nghệ sĩ xiếc vẫn là hạng 4, quá thấp so với tài năng, cống hiến của họ.

Bên cạnh đó, chế độ bồi dưỡng chưa được “cởi” để chúng tôi có thể kêu gọi, thu hút được nhân lực trẻ; một số nghệ sĩ được đào tạo chính quy, khi ra trường chọn những đơn vị có thu nhập cao hơn, thay vì gắn bó với xiếc, với một đơn vị có bề thế phát triển rất lâu năm. Chính vì vậy chúng tôi cũng phải đối diện với thách thức rất lớn là “chảy máu chất xám”.

Việc trẻ hóa đội ngũ diễn viên đang rất được quan tâm, bởi với xiếc điều này không đơn giản là 1 - 2 năm; hơn nữa, tuổi nghề của xiếc rất ngắn, có khi 35 - 40 tuổi đã phải dừng làm nghề, trong tuổi đời và tuổi lao động của nghệ sĩ vẫn còn dài, thậm chí lên tới 20 năm. Bởi vậy, chúng tôi rất cần sự quan tâm hơn của các ban, bộ, ngành, để có một cơ chế đặc thù, mức lương cơ bản bảo đảm để các nghệ sĩ yên tâm tập luyện, cống hiến; bởi với xiếc, nếu như đâu đấy diễn viên vẫn phải còn lo cơm áo, gạo, tiền, phải chia sẻ thời gian để mưu sinh, không tập trung trí lực vào luyện tập, thì rất khó có được những thế hệ nghệ sĩ tài năng.

- Xin cảm ơn ông!

Văn hóa

Poster phim "Đào, phở và piano"
Văn hóa

Bài cuối: Lãng mạn nhưng kiên cường

26 năm sau "Hà Nội mùa đông 46", năm 2023, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện bộ phim "Đào, phở và piano" từ sự thôi thúc bên trong, từ những câu chuyện kể của thế hệ cha anh đi trước mà ông được lắng nghe, và từ chính những ký ức tuổi thơ của đạo diễn về Hà Nội.