Người “tái sinh” những gốc tre già

Người “tái sinh” những gốc tre già

Với nụ cười thân thiện, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ kể về hành trình làm nghề điêu khắc gốc tre; vừa nói, đôi bàn tay ông thoăn thoắt dùi, đục, như muốn chứng minh rằng từ những gốc tre bị bỏ đi, dưới bàn tay sáng tạo có thể “tái sinh” thành những tác phẩm nghệ thuật giá trị, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa Việt Nam.

Mối nhân duyên 25 năm trước

Sinh ra và lớn lên tại Hội An, Quảng Nam, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ gắn bó với nghề mộc từ năm 16 tuổi; gia đình có một xưởng gỗ nhỏ nhưng vì không đủ trang trải cuộc sống, khiến ông nhiều lần nản lòng; năm 1999, một trận lũ tràn qua Quảng Nam, kéo theo những gốc tre từ thượng nguồn lại là khởi đầu cho mối nhân duyên của ông. Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ chia sẻ: “Trận lũ lụt năm đó đã nhấn chìm nhà cửa và xưởng gỗ của gia đình tôi; nhìn những gốc tre trôi bồng bềnh trong dòng nước xiết, gợi hình dung biết bao dáng hình, tôi bèn kéo về để đục đẽo. Sao lại không biến chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật? Câu hỏi nảy ra lúc bấy giờ khiến tôi quyết định mày mò, sáng tạo điêu khắc trên gốc tre”

Sẵn có đôi bàn tay khéo léo của người làm nghề mộc, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ bắt tay điêu khắc những gốc tre già. 25 năm trước, ai cũng nghĩ đây là một việc làm vô bổ, “dở hơi”. Nhiều người thấy ông tìm gốc tre mang về thì chế giiễu, thậm chí, có người bảo ông... điên. Không một ai tin rằng những gốc tre xù xì, khô khốc lại có thể trở thành những tác phẩm điêu khắc, vả lại, có điêu khắc được chăng nữa thì trưng bày như thế nào, ai mua… Nhưng rồi, bỏ mặc lời ra tiếng vào, ông cứ miệt mài suy nghĩ, tìm cách “thổi hồn” cho từng gốc tre vô tri đó.

nv1.jpg
Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ say sưa tạo tác, điêu khắc các nhân vật từ gốc tre. Ảnh: Thái Minh

Bàn tay của người thợ làm mộc cứ say mê đục đẽo, khắc chạm lên gốc tre như bản năng nghề. Ban đầu, ông chỉ lựa chọn khắc những gương mặt ngộ nghĩnh, hóm hỉnh. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy gốc tre có những nhánh rễ dài, giống như chòm râu phù hợp với các nhân vật trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, ông đã tập trung khai thác, sáng tạo theo hướng này. Từ đây, những tác phẩm nghệ thuật sống động ra đời, với gương mặt, chân dung đầy vẻ hỉ, nộ, ái, ố…

“Tùy theo hình dáng gốc tre mà tôi lựa chọn điêu khắc những ông thần Phật, nhiều nhất là điêu khắc ông tam đa Phúc, Lộc, Thọ. Trong văn hóa phương Đông, những vị này mang ý nghĩa giàu sang, may mắn, trường thọ nên rất được ưa chuộng. Điêu khắc gốc tre các nhân vật này cũng dễ chiếm được cảm tình của du khách nội địa hơn. Làm ra sản phẩm có người hỏi, người thích, đấy là động lực vô cùng lớn để tôi tiếp tục tin tưởng, đi theo con đường này”, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ chia sẻ.

Mỗi sản phẩm là một độc bản

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ cho biết, khi đã quen tay, để tạo ra một tác phẩm điêu khắc từ gốc tre chỉ mất khoảng 2 - 3 tiếng đẽo, gọt, nhưng trước đó là hàng chục công đoạn tỉ mỉ. Bây giờ, nghệ nhân vẫn thường xuyên đi đến nhiều vùng quê để tìm kiếm, mua gốc tre về tạc tượng. Theo kinh nghiệm, tre mọc ở vùng đất cát thì rễ dài, gai nhiều, tre mọc ở vùng đất thịt hoặc đất sét thì rễ ngắn, cứng cáp. Gốc tre đào xong đem về được tách tạo dáng, ngâm bùn khoảng 9 tháng rồi làm sạch, phơi nắng tầm 10 ngày để cứng hơn, tránh mối mọt.

Quan trọng nhất và cũng khó nhất là biết nương theo hình thù của gốc tre để lựa chọn tạo tác dáng hình nhân vật phù hợp. Bởi lẽ, khác với gỗ thường có sẵn phôi, điêu khắc từ gốc tre mang nhiều dấu vết của tự nhiên và mỗi gốc mỗi kiểu, nếu không có sự liên tưởng phong phú cùng với đôi bàn tay khéo léo, chỉ cần chệch đi một vài đường là có thể làm hỏng cả khối điêu khắc. Chẳng hạn, với những gốc tre rễ dài thì sẽ tạo hình ông Lộc với râu dài, còn với gốc tre rễ ngắn thì có thể tạo hình ông thần tài, ông địa…

Từ nét cười, khóe mắt, sợi râu của từng bức tượng điêu khắc đều phải được chăm chút kỹ lưỡng. Vì làm thủ công nên không tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Ví dụ, cùng là nhân vật ông Phật Di Lặc có khuôn mặt cười phúc hậu nhưng lại có nét riêng để mỗi sản phẩm là một độc bản, không thể tìm được cái thứ hai. Nghệ nhân gọi đó chính là quá trình “mở nhãn”, là công đoạn quyết định hiệu ứng sống động trong từng bức tượng.

Được lòng khách du lịch cả trong và ngoài nước, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ càng tích cực mày mò, tạo tác gốc tre với nhiều hình thù khác nhau. Ngoài tượng thần, Phật, ông còn tạc các nhân vật được nhiều người biết đến và yêu thích trong văn chương Việt Nam như Lão Hạc, Chí Phèo - Thị Nở…, một số danh nhân thế giới như Newton, Einstein, Marie Cuirie… Nghệ nhân còn tạc tượng truyền thần, dành cho những vị khách muốn sở hữu bức điêu khắc gỗ tre chân dung của mình.

Ở tuổi 52, điều nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ mong đợi là có thể đem nghề, đem những tác phẩm của mình quảng bá khắp năm châu, để thế giới biết tới vẻ đẹp của tre Việt Nam. Bởi vậy, ông tự trau dồi thêm vốn tiếng Anh, tiếng Pháp để giao tiếp, giới thiệu tới khách hàng quốc tế khi đến thăm Hội An, thậm chí lập tài khoản mạng xã hội như Facebook, TikTok… chia sẻ về quá trình tạo tác, ý nghĩa của những sản phẩm độc đáo này.

“Cứ nghĩ mấy chục năm làm nghề, mỗi tác phẩm là một lần tôi cảm nhận, chiêm nghiệm, đặt tâm huyết vào để tạc, để mọi người biết đến vẻ đẹp của cây tre Việt Nam, cả phần vốn tưởng bị bỏ đi là gốc tre. Tuy vậy, tôi hiểu rằng chỉ tay nghề là chưa đủ, còn phải thật sáng tạo, tìm tòi đề tài mới, nhân vật độc đáo, tìm ra cách thức đa dạng để mọi người biết đến, đón nhận và ưa thích mới là điều quý giá của sản phẩm thủ công. Tôi hy vọng điêu khắc gốc tre trở thành một nghề đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam”, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ nói.

Văn hóa

Triển lãm tranh lụa "Tằm"
Văn hóa

Triển lãm tranh lụa "Tằm"

"Tằm" là tên gọi triển lãm thứ 2 của Kén Lab, với ý nghĩa là sự nối tiếp cho hành trình học hỏi, phát triển tốt đẹp của nhóm đối với nghệ thuật vẽ tranh lụa truyền thống.

Hà Nội - Những tháng năm...
Văn hóa

Hà Nội - Những tháng năm...

Đêm nhạc "Hà Nội - Những tháng năm..." diễn ra vào 20 giờ ngày 20.9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ đưa khán giả trở về những dấu ấn lịch sử hào hùng và vẻ đẹp lãng mạn của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Cộng hưởng điện ảnh và du lịch
Văn hóa

Cộng hưởng điện ảnh và du lịch

Điện ảnh truyền tải những hình ảnh đẹp về đất nước, con người, cảnh quan; du lịch giúp khách quốc tế trực tiếp trải nghiệm những gì họ đã thấy trên màn ảnh. Kết nối màn ảnh và điểm đến, Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển của hai ngành công nghiệp văn hóa này.

Quảng bá sơn mài Việt Nam tại Pháp
Văn hóa - Thể thao

Quảng bá sơn mài Việt Nam tại Pháp

Tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đang diễn ra Triển lãm Tranh, sản phẩm sơn mài. Hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và các đơn vị tổ chức.

Mang rạp chiếu bóng đến với đồng bào vùng biên
Văn hóa

Mang rạp chiếu bóng đến với đồng bào vùng biên

Đều đặn nhiều đêm hè đã hàng chục năm nay, bà con đồng bào nơi biên giới đều háo hức chờ đợi buổi xem phim cùng cả bản làng, được mang đến bởi đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Văn hoá và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình sau chặng đường dài ngược lên với đại ngàn.

Vở múa "Nàng Mây"
Văn hóa

Giữ bản sắc trong thế giới nghệ thuật hội nhập

Phản ánh chân thực, sinh động không gian, văn hóa truyền thống của nhiều cộng đồng, dân tộc, cuộc sống nhiều màu sắc tại các vùng miền, biên đạo múa NGUYỄN HẢI TRƯỜNG (Học viện Múa Việt Nam) mong muốn thể hiện đậm nét bản sắc Việt Nam qua góc nhìn của người trẻ.

Miền biên viễn - “nhịp đập trái tim nghệ thuật”
Văn hóa - Thể thao

Miền biên viễn - “nhịp đập trái tim nghệ thuật”

Với họa sĩ Đỗ Đức, miền biên viễn không chỉ là một địa danh, mà còn là “nhịp đập trái tim nghệ thuật”. Dành cả cuộc đời để khám phá và khắc họa vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của dải biên thùy vô cùng yêu quý này, qua tác phẩm của mình, ông đã kể những câu chuyện về núi rừng, về con người và cuộc sống nơi đây.